Thuốc thật hay giả ?

31/08/2017 07:22 GMT+7

Dư luận đang quan tâm nhiều chiều, thậm chí bức xúc với vụ án “làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức” và “buôn lậu” xảy ra tại Công ty CP VN Pharma (VN Pharma). Cũng đã có ý kiến cho rằng lẽ ra phải xử nặng các bị cáo về hành vi “buôn thuốc giả” cho “đáng tội”…
Bản chất vụ việc ở đây không hẳn là “tội buôn lậu” hay tội liên quan đến “thuốc giả” vì với cả hai tội danh này theo quy định của điều 153 và 157 bộ luật Hình sự cũng đều có khung hình phạt từ thấp đến cao nhất (chung thân hoặc tử hình), căn cứ hành vi và hậu quả nghiêm trọng đến mức nào. Số thuốc nhập về trong vụ án này chưa từng bán ra cho bệnh nhân, nên chưa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến mức phải phạt theo khung cao nhất.
Để xác định bản chất “tội ác” trong vụ án này, các cơ quan tố tụng trong quá trình tiếp theo cần làm rõ là thuốc ấy giả hay thật, hay là thuốc thứ cấp; có dùng để chữa bệnh được hay không? Kết luận giám định năm 2015 của Bộ Y tế về 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet nêu: Lô thuốc trên chứa 97% hoạt chất Capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người (nên Cục cấm lưu hành). Nhưng trong một kết quả kiểm nghiệm khác ngày 15.9.2014 của Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM (cũng thuộc Bộ Y tế) thì viên nén bao phim H-Capita 500 mg của VN Pharma “nguồn gốc Canada” là đạt (định lượng 98,01% Capecitabin) với kết luận “Mẫu thử đạt yêu cầu chất lượng theo TCCS”.
Vì sao lại có kết quả kiểm nghiệm khác nhau như vậy? Có nên chăng việc trưng cầu một đơn vị thứ ba gồm một hội đồng chức năng có đủ năng lực chuyên môn và y đức để kiểm nghiệm và đưa ra kết quả khách quan cuối cùng là: thuốc H-Capita có đủ chất lượng điều trị bệnh ung thư hay không? Rõ được điều này mới có thể trấn an dư luận và thêm căn cứ xác đáng trong quá trình luận tội và phán quyết bản án ở giai đoạn tiếp theo.
Mặt khác, cũng cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép là Cục Quản lý dược, làm rõ trách nhiệm đối với các đối tác cùng VN Pharma tham gia gói thầu; thậm chí cần làm rõ chuyện trao - nhận hoa hồng liên quan tới lô thuốc này là bao nhiêu, có dấu hiệu phạm pháp hay không?
Có ý kiến cho rằng quá trình truy tố, xét xử các bị cáo như vừa qua là phù hợp, việc trưng cầu lại chất lượng thuốc là không cần thiết vì đây là vụ án buôn lậu chứ không phải vụ án làm giả hay sản xuất thuốc giả. Thế nhưng, mối quan tâm của dư luận không chỉ là buôn lậu, vì bản chất của việc bán buôn mặt hàng cực kỳ quan trọng này nằm ở chỗ: buôn lậu thuốc chữa được bệnh hay thuốc không chữa được bệnh.
Nếu còn lờ mờ những “góc khuất” về vụ việc, dư luận vẫn cứ sẽ râm ran. Liên quan đến vụ án Công ty VN Pharma, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo việc khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm minh mọi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, từ vụ việc này cho thấy những kẽ hở, bất cập trong việc quản lý cấp phép, quản lý giá thuốc, đặc biệt là trong đấu thầu thuốc chữa bệnh; thảy cần phải được chấn chỉnh cùng với việc bổ sung, hoàn thiện chặt chẽ các quy định có liên quan. Với thuốc chữa bệnh, giá rẻ là điều kiện đủ, nhưng điều kiện ắt có quan trọng nhất vẫn là chất lượng trị được bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.