Thú dữ đội lốt 'thú cưng'

12/06/2019 04:57 GMT+7

Câu chuyện nhân viên Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh (Bình Dương) bị hổ vồ cắn đứt đôi bàn tay ngày 4.6 một lần nữa cảnh báo cơ quan chức năng về công tác quản lý hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã (ĐVHD).

Bởi nhiều loài thú dữ hoang dã như hổ, gấu được nuôi nhốt như thú cưng đang là ẩn họa rình rập mạng sống con người.
Ở VN chưa có một thống kê đầy đủ số vụ ĐVHD nuôi nhốt tấn công gây thương tích cho con người, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, hổ xổng chuồng cắn chết người ở Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương); gấu phá chuồng cắn chết chủ nuôi; hay câu chuyện bé trai chơi đùa cạnh chuồng gấu bị ngoạm đứt lìa 2/3 cánh tay không còn là chuyện hiếm thấy.
[VIDEO] Cận cảnh nơi nuôi con hổ vồ nát 2 tay người đàn ông ở Bình Dương
Nhắc lại những vụ việc này, bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), cảnh báo: Không ai có thể đảm bảo tương lai sẽ không còn những tai họa tương tự khi công tác quản lý ĐVHD còn nhiều bất cập.
Liên quan đến vấn đề này có đến 2 nghị định là Nghị định 160/2013/NĐ-CP quy định tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Nhưng tiếc thay, các văn bản này đều chưa có quy định xử lý triệt để tàn dư nuôi nhốt ĐVHD tồn tại trước khi các văn bản này có hiệu lực. Và vì thế, trong nhiều trường hợp, hành vi vi phạm được phát hiện, cơ quan chức năng rất lúng túng khi xử lý.
Dẫn chứng ngay Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh, chủ cơ sở này - ông Huỳnh Văn Hai bị kết án tù năm 2011 hay vụ Nguyễn Mậu Chiến (Thanh Hóa) bị kết án năm 2018 về hành vi buôn bán hoặc tàng trữ hổ trái phép. Thay vì rút giấy phép, ngừng hoạt động hoặc tịch thu cá thể ĐVHD thì cơ sở vẫn tiếp tục nuôi hổ để thực hiện chức năng “bảo tồn” là thực tế rất phi lý.
Không phải cứ nuôi loài ĐVHD hoặc cho loài đó sinh sản ra các cá thể con thành công tức là đang “bảo tồn” loài đó.
Đã đến lúc, cơ quan chức năng cần phải rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoạt động nuôi nhốt ĐVHD “vì mục đích bảo tồn” và các cơ sở được cấp phép nuôi nhốt “thí điểm” bảo tồn hổ. Bởi trước khi cấp phép, chưa có một đánh giá khoa học nào về tính thuần chủng của cá thể hổ được nuôi nhốt thì làm sao hoạt động này lại có thể có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học?
Đặc biệt, cần quy định chặt chẽ biện pháp xử lý cơ sở vi phạm, nếu không có nguồn gốc hợp pháp; chủ cơ sở và người nuôi từng dính líu hành vi buôn bán ĐVHD thì kiên quyết thu hồi giấy phép, chấm dứt hoạt động cơ sở, đi kèm với tịch thu toàn bộ cá thể ĐVHD chuyển giao về trung tâm cứu hộ đủ điều kiện tiếp nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.