Thiếu tự trọng

24/05/2020 05:47 GMT+7

Tòa Quốc tế về luật Biển (ITLOS) sắp tổ chức bầu chọn nhân sự thay thế 7 thẩm phán sắp hết nhiệm kỳ vào cuối tháng 9 tới đây.

Trong số 10 người tham gia bầu chọn thì có ứng viên Đoàn Khiết Long là Đại sứ Trung Quốc tại Hungary và dự kiến cuộc bầu chọn diễn ra tại hội nghị thường niên, của các nước tham gia Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, được tổ chức từ ngày 15 -19.6 tại New York (Mỹ).
Việc Bắc Kinh đề cử đại sứ Đoàn Khiết Long là nhằm thay thế thẩm phán ITLOS Cao Chi Quốc sắp hết nhiệm kỳ. Khi đưa ra những đề cử như vậy, Trung Quốc vẫn luôn cao giọng cho rằng đó là nỗ lực đóng góp cho lợi ích chung của thế giới.
Thế nhưng, trong thực tế thì chính Trung Quốc lại là quốc gia đang phớt lờ, thậm chí giẫm đạp lên luật lệ, quy tắc quốc tế. Trong đó, điển hình là vấn đề Biển Đông. Nhiều năm qua, tại Biển Đông, Trung Quốc không chỉ có hành vi gây rối mà còn tiến hành nhiều thủ đoạn xâm hại chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc tự đưa ra cái gọi là bản đồ “đường lưỡi bò” để tuyên bố chủ quyền hòng độc chiếm Biển Đông. Tuy nhiên, vào năm 2016, Tòa Trọng tài thường trực tại The Hague (PCA) đã phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh đưa ra trên Biển Đông. Sau phán quyết của PCA, cộng đồng quốc tế cũng đã lên án và khẳng định bản đồ “đường lưỡi bò” là phi pháp.
Thế nhưng, Bắc Kinh bất chấp tất cả khi liên tục có những hành động đáng quan ngại để gây rối, đe dọa các quốc gia xung quanh nhằm củng cố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Trung Quốc cũng tìm mọi cách tuyên truyền bản đồ chủ quyền phi pháp trên. Và để phục vụ mưu đồ này, Trung Quốc sẵn sàng lợi dụng tình hình bệnh dịch Covid-19 để gây rối, dọa nạt trên Biển Đông. Thậm chí, tàu hải cảnh của Trung Quốc, vốn được vũ trang hỏa lực mạnh, mới đây còn đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động hợp pháp ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa.
Thực tế đó cho thấy những gì mà Bắc Kinh luôn nói về nỗ lực hành động vì lợi ích chung của thế giới thì chỉ là chiêu trò hoa ngôn xảo ngữ. Rõ ràng nếu là quốc gia có tự trọng, biết tuân thủ luật pháp quốc tế thì Trung Quốc đã không hành động như vậy. Việc Trung Quốc tìm cách đưa người vào các tổ chức quốc tế, cụ thể ở đây là ITLOS, cũng chỉ nhằm tìm cách gây ảnh hưởng hòng đạt được dã tâm, nên cộng đồng quốc tế cần cùng nhau nỗ lực để kịp thời ngăn cản Bắc Kinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.