Thiệt hại từ sự vô cảm

24/02/2020 04:47 GMT+7

Nếu chỉ tính chi phí cơ hội, chi phí thời gian, chi phí vốn... của các dự án bị chậm trễ, thiệt hại có thể lên hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng.

Nếu tính cả những hiệu quả kinh tế, số lượng lao động tạo ra, những tác động lan tỏa trực tiếp và gián tiếp khi một dự án hoàn thành đưa vào sử dụng... thì thiệt hại của việc chậm trễ tăng lên cấp số nhân.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa chỉ đạo lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc các doanh nghiệp (DN) địa ốc hằng tuần, hạn chót 30.4 phải dứt điểm. Sở dĩ có việc này là trong cuộc họp cuối tuần trước, hàng loạt công ty bất động sản đã “tố” những vướng mắc pháp lý, thủ tục... từ phức tạp đến đơn giản nhưng đều gặp tình trạng xử lý kéo dài, trì trệ, không hiệu quả của các sở ban ngành có thẩm quyền.
Đỉnh điểm là chuyện của Công ty Lê Thành “chỉ trao đổi chỉ tiêu quy hoạch mà kéo dài gần 1 năm, trong khi chuyện đó giải quyết chỉ cần 1 tuần”, như nhận xét của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong. Sự việc này cho thấy, thủ tục “hành là chính” vẫn đang diễn ra ngay trong bối cảnh lãnh đạo TP.HCM đã nhiều lần khẳng định “đồng hành cùng DN”. Đáng nói là trong khi DN khốn khổ vì thời gian kéo dài thì lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc lại không thể trả lời được vì các cuộc họp liên quan đến vụ việc này do “nhân viên đi dự”.
Có 2 trường hợp xảy ra, thứ nhất là nhân viên đi họp cho “có tụ”, về không báo cáo và lãnh đạo Sở cũng chẳng quan tâm. Thứ hai là nhân viên đi dự về có báo cáo nhưng lãnh đạo Sở không quan tâm, không nhớ. Dù là trường hợp nào cũng cho thấy sự vô trách nhiệm, vô cảm của sở này nói riêng và nhiều sở ngành trong việc giải quyết các vướng mắc cho DN.
Xin nhắc lại, đây là dự án nhà ở xã hội, vướng mắc “chỉ đáng 1 tuần” nhưng đã chờ cả năm sau rất nhiều cuộc họp liên ngành... vẫn không có câu trả lời. Cũng xin nhấn mạnh là những kiểu chờ đợi thế này không phải là cá biệt. Tại cuộc họp cuối tuần qua, từ những thương hiệu bất động sản lớn như Novaland cho đến Đất Xanh, Quốc Cường Gia Lai, Lê Thành... đều khốn khổ vì thủ tục chậm trễ, dự án đình đốn, ngàn tỉ vốn đầu tư bị “ngâm”, lãi vay ngân hàng thúc sau lưng...
Trở lại với câu chuyện TP.HCM hẹn gỡ khó cho các dự án hằng tuần... thực sự không biết nên vui hay buồn. Ở góc độ các DN tất nhiên là vui. Mỗi lần gặp gỡ, vướng mắc ít nhiều cũng được quan tâm, tháo gỡ. Ví như chuyện của Lê Thành nói trên, chắc chắn Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải có câu trả lời chứ không thể tiếp tục “ngâm”.
Thế nhưng đứng từ góc độ hiệu quả của bộ máy hành chính công, câu hỏi đặt ra là, vai trò của các sở ngành là gì? Hiệu quả hoạt động ra sao khi một việc nằm trong thẩm quyền cũng phải để chủ tịch TP phải chỉ đạo cụ thể? Phải lập thêm tổ này, ban kia... gây tốn kém thiệt hại cho ngân sách, lãng phí thời gian, nhân lực...?
Mà chẳng riêng TP.HCM, việc của bộ, địa phương “đẩy” lên Chính phủ “xin ý kiến” ngày càng nhiều... Nên thay vì trực tiếp đứng ra giải quyết, nên có hình thức xử lý người đứng đầu các cơ quan thẩm quyền nhưng đá quả bóng trách nhiệm, chây ì, trì hoãn, vô trách nhiệm, vô cảm với những khó khăn, vướng mắc của người dân, DN.
Còn nếu vẫn để tình trạng này thì thiệt hại từ sự vô cảm là không thể đong đếm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.