Thấy tết mà thương

09/02/2018 04:49 GMT+7

Tết là kỳ nghỉ dài ngày nhất và quan trọng nhất trong đời sống tinh thần người Việt. Phải chăng cũng vì thế mà người Việt mỗi năm lại lao vào tết với không ít nỗi gian truân.

Người Việt ở hải ngoại về quê ăn tết, sân bay chen cứng người đi đón.

Một hai người về nhưng có khi cả chục người đi đón. Nhìn cảnh những người thân ôm nhau bật khóc ở sân bay, mới thấu hiểu trái tim người Việt đã dành yêu thương cho nhau đến mức nào. Nhưng rồi nhìn cảnh người người chen chúc, lại lắc đầu mà cảm thán, rằng sao không đợi chờ thêm chút nữa, ở ngay ngôi nhà của mình, sẽ vẫn có những cái ôm và giọt nước mắt tình cảm đó, mà không quá khổ sở cho mình và người khác.
Người Việt về quê ăn tết, như thể một bản năng sâu xa trong tâm thức. Phải sống trong hoàn cảnh xa quê tìm sinh kế nên nhiều người Việt luôn tự nhủ trong lòng, rằng chỉ mong đến tết để đoàn viên với gia đình. Ước muốn giản dị ấy sao mà không thể cảm thông? Chỉ cần nhìn cảnh những người trễ tàu về quê bật khóc giữa bến tàu, có ai mà cầm được nước mắt. Quê nhà, trong tâm khảm biết bao người Việt làm ăn xa quê, là mái ấm gia đình, là ký ức tuổi thơ, là không khí đoàn viên giúp sưởi ấm lại trái tim sau những ngày vật lộn với sinh kế. Rồi sẽ tiếp tục một năm lao động vất vả ngay sau tết.
Nhưng cũng chính vì thế mà cứ đến tết thì người Việt dường như cùng nhau lao vào một cuộc hành hương. Chính xác là một cuộc đại hành hương. Với tất cả những động lực thúc đẩy mọi người lao vào tết. Và cũng với tất cả những áp lực không đáng có.
Là áp lực lên hệ thống giao thông, từ giao thông đô thị đến giao thông liên tỉnh. Cảnh kẹt xe kẹt tàu với hình ảnh biển người biển xe tấn công thẳng vào trực cảm của người Việt, khiến không ít người lắc đầu than trời vì tết.
Là áp lực lên đời sống tài chính của gia đình và cá nhân. Chuyến về quê ăn tết ngốn hàng chục triệu đồng, là đồng tiền được chắt bóp tần tảo trong suốt năm. Để rồi ra giêng quay trở lại với công việc và cuộc sống mà thậm chí không có lấy vài trăm nghìn để phòng thân.
Là áp lực lên sự cân bằng của xã hội. Tết là dịp cho những kẻ xấu làm rối tung mọi thứ. Kẻ cò vé xe vé tàu lừa người sang tay chặt chém khách. Nhà xe thì tìm cách nhét người gấp vài lần cho phép. Người sản xuất thiếu đạo đức đưa hàng giả hàng độc vào thị trường. Rồi mất kiểm soát an toàn thực phẩm, an ninh trật tự. Rồi bộ máy kiểm soát của chính quyền kiệt sức, có khi đành thỏa hiệp.
Càng mong đồng bào mình được vui tết thì lại càng thương. Có lẽ phải bắt đầu nghĩ đến những thay đổi cần thiết về văn hóa tết. Thật ra luôn có sẵn đó không ít cách để thưởng thức tết nhẹ nhàng, chứ không phải lao vào tết với bao nỗi gian truân như thế: bớt mua sắm tết lãng phí, giảm liên hoan nhậu nhẹt, cúng kiếng phù hợp, đổi lịch về quê, cho phép mình và gia đình được nghỉ ngơi... Vậy sẽ được bình tĩnh mà thưởng thức tết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.