Thay đổi tư duy, thích ứng hạn hán

26/08/2019 04:53 GMT+7

Người dân và cơ quan quản lý nhà nước cần phải thay đổi lại nhận thức để có chiến lược quy hoạch, sử dụng nước một cách tiết kiệm và hiệu quả.

Hình ảnh người dân Đà Nẵng xếp hàng chờ đợi để hứng từng xô nước từ các xe bồn lưu động, cho thấy “khát” nước giờ đây không chỉ giới hạn ở những tỉnh “hạn hán truyền thống” như Ninh Thuận, Bình Thuận mà chính thức lan đến cả những đô thị hiện đại, đáng sống ở miền Trung.
Không chỉ ở Đà Nẵng, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang khiến nguồn nước ngày càng cạn kiệt, xâm nhập mặn tiến sâu vào đất liền gây ra hạn hán đẩy hàng chục nghìn hộ gia đình ở các tỉnh miền Trung vào tình cảnh thiếu nước ăn uống, sinh hoạt. Khi sông suối cạn trơ đáy, đồng đất nứt nẻ toang hoác khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp bị ngưng trệ, kinh tế xã hội bị thiệt hại, tổn thất nặng nề.
Thống kê mới nhất từ Bộ NN-PTNT, nắng nóng gay gắt liên tục nhiều ngày, thiếu hụt lượng mưa, dòng chảy trên các sông suối ở các tỉnh miền Trung làm gia tăng hạn hán ở mức độ nghiêm trọng với khoảng 110.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt và trên 20.000 ha lúa, hoa màu bị hạn hán. Dự báo đến cuối mùa khô, toàn miền Trung có trên 138.000 hộ gia đình không có đủ nước sinh hoạt và 65.000 ha lúa, hoa màu khô khát, hạn hán.
GS Trần Thục, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về BĐKH, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn VN, cho rằng hạn hán, thiếu nước ở miền Trung, xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL là thực tế minh chứng: nước không còn là tài nguyên vô tận theo như quan điểm trước đây. Người dân và cơ quan quản lý nhà nước cần phải thay đổi lại nhận thức để có chiến lược quy hoạch, sử dụng nước một cách tiết kiệm và hiệu quả.
GS Trần Thục cũng cho rằng, để ứng phó tác động BĐKH khiến các nguồn nước ít đi và xâm nhập mặn càng gia tăng thì tư duy đổi mới về tài nguyên nước càng cấp thiết. Nhất là khi dự báo những năm tới, tần suất hạn hán, thiếu nước diễn ra ở miền Trung, Tây nguyên dự báo xuất hiện ngày càng nhiều và mức độ nguy hiểm còn hơn cả bão lũ nên cần tính toán giải pháp ứng phó chiến lược, lâu dài.
Để thực sự bắt tay hành động ứng phó hạn hán, thiếu nước được cảnh báo xuất hiện tần suất nhiều hơn, mức độ nguy hiểm hơn trong những năm tới, ngay từ bây giờ các tỉnh miền Trung cần thiết phải có điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, đánh giá khả năng tích trữ nước ở từng khu vực để xây dựng thêm các công trình trữ nước chia theo từng cấp độ, lớn nhất là cấp tỉnh, trung bình là cấp huyện, quận và nhỏ nhất là trong các hộ gia đình cũng cần được khuyến khích, hỗ trợ chủ động đầu tư xây dựng các công trình dự trữ nước sinh hoạt sử dụng; tuyên truyền, tư vấn và học cách sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Còn trong sản xuất, đã đến lúc những cây trồng tiêu tốn quá nhiều nước cần được thay thế bởi những loại cây mới dùng ít nước hơn; khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tưới nhỏ giọt, tiết kiệm để thích ứng với nguồn tài nguyên nước ngọt sẽ ngày càng khan hiếm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.