Tạo dựng niềm tin nơi người đọc

15/06/2019 00:00 GMT+7

Gõ từ khóa “ văn hóa đọc ” trên công cụ tìm kiếm Google, sẽ cho ra 949.000 kết quả. Điều này cho thấy thuật ngữ “văn hóa đọc” được quan tâm và đề cập với tần suất cao.

Tuy khái niệm “văn hóa đọc” được quan tâm, song theo số liệu của Cục Xuất bản - In - Phát hành (Bộ TT-TT) trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm VN xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách, chia trên 90 triệu dân, trung bình 4 đầu sách/người.
Nếu nhìn vào số liệu này để đánh giá việc đọc thì văn hóa đọc của người VN còn quá thấp. Trước đó, kết quả nghiên cứu của một trường ĐH ở Mỹ - Central Connecticut State University (tháng 10.2016) công bố danh sách 61 nước đọc sách nhiều nhất thế giới không thấy có VN, trong khi khu vực Đông Nam Á có 3 nước: Singapore (thứ 36), Malaysia (53) và Indonesia (60).
Ngày 15.3.2017, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 329 về phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó khẳng định quan điểm phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước.
Đã có rất nhiều tọa đàm về thực trạng và giải pháp làm gì để phát triển văn hóa đọc diễn ra, song trong tọa đàm Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ tại TP.HCM hồi tháng 4.2019, hơn 20 tham luận từ các đơn vị xuất bản, thư viện, giáo dục tham gia đều cho thấy việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ tấm bé chính là đi đúng vào mấu chốt vấn đề phát triển văn hóa đọc hiện nay. Bởi theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, dúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ 14 - 15 tuổi trước nay chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính với lý do “khám phá kho báu tri thức” hay “nâng cao văn hóa đọc” như người lớn hay nói, là một việc đã quá muộn màng.
Bên cạnh đó, trong buổi công bố kết quả khảo sát về Niềm tin - thói quen đọc sách của giới trẻ vào sáng 14.6, TS Quách Thu Nguyệt, Phó giám đốc Công ty đường sách TP.HCM, cho rằng cốt lõi của chiến lược phát triển văn hóa đọc chính là tạo dựng niềm tin nơi người đọc. Theo bà, để tạo lập thói quen đọc, nhất là giới trẻ, cần phải xác lập niềm tin rằng việc đọc sẽ tạo ra giá trị cho cá nhân, cộng đồng và xã hội.
Bà cũng nhấn mạnh việc cần thường xuyên truyền thông, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, gia đình, nhà trường nhưng không phải hô khẩu hiệu, mà nhà nước nên sử dụng ngân sách để thực hiện các video clip dưới dạng một câu chuyện có đầu tư kịch bản và chiếu quảng bá trong khung giờ vàng trên nhiều nền tảng; hay vận động các tổ chức xã hội, các đội nhóm trẻ thực hiện các kênh YouTube về sách lành mạnh, có sức cuốn hút, dẫn dắt, định hướng cho mọi người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.