Sống tử tế, dạy đàng hoàng

20/11/2012 03:20 GMT+7

Khi được hỏi sẽ làm nghề gì trong tương lai, nhiều trẻ em chọn bác sĩ và giáo viên. Hai công việc liên quan mật thiết đến con người, một chăm lo sức khỏe, cái còn lại nuôi dưỡng tinh thần và tâm hồn. Điều đó cho thấy, một cách tự nhiên, làm thầy là một trong những công việc được trân quý.

Đời người ai cũng ít nhất có một người thầy để kính trọng, yêu thương và thậm chí xem như thần tượng. Nhiều thầy cô đã để lại ấn tượng sâu đậm với học trò đến mức có những quyết định, lựa chọn của học trò chịu ảnh hưởng từ người thầy.

Cuộc sống thay đổi, từ nhiều phía khác nhau, hình ảnh người thầy ít nhiều bị lu mờ, sự trọng vọng có phần giảm sút. Ngày nay không ít lần vai trò của nhà giáo bị đem ra phân tích thiệt hơn để rồi nhiều lúc phải ngậm ngùi thừa nhận diện mạo của người thầy không còn lung linh như trước. Lương không đủ sống là nguyên nhân chính dẫn đến những hệ lụy: Xã hội không còn đánh giá cao vị thế người thầy, vấn nạn dạy thêm - học thêm ngày càng nhức nhối, chất lượng giáo viên giảm sút vì học sinh giỏi không muốn chọn ngành sư phạm, tình cảm thầy trò ngày càng lỏng lẻo… Hiệu trưởng một trường ĐH có lần nói với chúng tôi rằng đối với toàn ngành giáo dục, điều cần nhất là thầy phải đúng nghĩa thầy, được đào tạo đàng hoàng để đủ sức làm thầy; được trả lương tử tế để có thể sống tử tế, dạy đàng hoàng.

Điều tưởng chừng đơn giản, bình thường ấy hóa ra lại xa vời và khác thường đến thế sao? 

Khi tham gia một số buổi dạy cho sinh viên báo chí, đồng nghiệp chúng tôi phải thừa nhận để làm hết trách nhiệm của một giảng viên là điều cực kỳ vất vả, nhọc nhằn. Công việc của một giáo viên phổ thông càng nặng nề hơn vì bên cạnh giảng dạy còn biết bao việc không tên khác. Theo đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước của Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam, hiện nay giáo viên phổ thông có tới 10 đầu việc ở trường, thời gian lao động lên tới 40 - 60 giờ/tuần, (quy định là 40 giờ/tuần). Trong khi đó lương giáo viên 30 năm trong nghề là 4,8 triệu đồng/tháng. Chính vì thế, cũng theo nghiên cứu này, tùy từng cấp học nhưng trung bình hơn 50% giáo viên cho biết muốn đổi nghề nếu có cơ hội và chỉ khoảng 10 - 20%  giáo viên thực sự yêu nghề.

Trong một bối cảnh như thế, tự đáy lòng, chúng tôi quý trọng những thầy cô, anh chị, bè bạn cho đến giờ vẫn bền chí đi đến cùng con đường “trồng người” đã chọn. Thế nhưng để một nền giáo dục bền vững, không thể chấp nhận tình trạng đơn lẻ, rời rạc như vậy. 

Chất lượng nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã từng khẳng định như vậy. Vấn đề làm sao có cuộc sống tử tế không còn là ước mơ của nhà giáo dẫn đến việc dạy dỗ đàng hoàng như là một điều đương nhiên phải thế. 

Thùy Ngân

>> Nhiều chương trình tri ân nhà giáo
>> Trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú
>> Nhiều cán bộ cấp cao được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân
>> Công bố giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu năm 2012
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Sự sa ngã của một nhà giáo
>> Nhà giáo nghỉ hưu được hưởng trợ cấp thâm niên một lần
>> Hội thi “Ánh sáng thời đại” lần V: Thu hút nhà giáo trẻ
>> Mở rộng diện xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân 
 >> Trao giải thưởng Võ Trường Toản cho những nhà giáo tiêu biểu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.