Rủi ro ở chốt an toàn

05/01/2019 04:00 GMT+7

.

Tiền trong tài khoản thanh toán cá nhân bốc hơi còn có thể viện lý do bị "cao thủ" hack, bị lừa đảo lấy cắp hay sơ ý bị lộ mật khẩu... chứ gửi tiết kiệm mà tiền cũng biến mất thì không thể đổ lỗi cho ai ngoài lỗ hổng ở chính các ngân hàng.
Nếu ai đã từng rút tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng (NH) đều biết, chỉ cần chữ ký hơi khác so với bản gốc, nhân viên NH đều yêu cầu ký lại, cho tới khi giống thì thôi, nhất là với những khoản tiền lớn. Tất nhiên điều kiện bắt buộc đi kèm là phải có sổ tiết kiệm, chứng minh nhân dân (hay thẻ căn cước)... mới được rút. So với giữ tiền ở nhà, thậm chí là để trong tài khoản thì gửi tiết kiệm là chốt chặn an toàn nhất để bảo vệ tiền bạc và sinh lợi. Có ai ngờ, chốt chặn này cuối cùng này cũng bộc lộ những rủi ro.
Vụ bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Eximbank còn chưa dứt điểm thì nay tiếp tục tới vụ một nhóm khách hàng bị "bốc hơi" 170 tỉ đồng gửi tiết kiệm ở NH Việt Á khiến nhiều người thực sự hoang mang, lo ngại. Câu hỏi đặt ra là, với quy định chặt chẽ như trên, làm thế nào để một cuốn sổ tiết kiệm có thể bốc hơi? Có nhiều cách nhưng dù là cách nào cũng phải có "bàn tay" chính người của NH. Đơn cử phía NH Việt Á nói không phát hành hợp đồng tiền gửi cho cá nhân nhưng nhóm khách hàng bị mất 170 tỉ đồng lại sở hữu hợp đồng tiền gửi do chính VietABank phát hành theo biểu mẫu, có chữ ký, con dấu của Giám đốc Phòng giao dịch Đông Đô, VietABank vào thời điểm đó. Nếu cá nhân lãnh đạo phòng giao dịch làm sai, tại sao NH này tiếp tục cho cầm cố sổ tiết kiệm theo lời giải thích của lãnh đạo NH Việt Á với Báo Thanh Niên? Rồi quy trình kiểm soát nội bộ của cả hệ thống vốn luôn phải chặt chẽ, chính xác?
Vụ 170 tỉ đồng gửi tiết kiệm ở NH Việt Á bị bốc hơi đang được cơ quan công an điều tra, nhưng ngoài lỗ hổng quy trình, đạo đức thì cách ứng xử của NH này đang gây bức xúc dư luận. Một số tiền lớn trong sổ tiết kiệm của khách hàng "bỗng dưng" biến mất nhưng NH không có văn bản nào trả lời câu hỏi, thắc mắc của khách hàng. Lãnh đạo thì né tránh, không nghe máy, không nhắn tin trả lời. Nếu rủi ro đến ngay từ cách ứng xử ở cấp cao nhất thế này thì khách hàng biết trông cậy vào đâu?
Vấn đề rủi ro đạo đức đã được đặt ra rất nhiều trong những năm qua, khi xảy ra nhiều đại án trong ngành NH. Thế nhưng, đa số các NH chỉ tập trung vào việc nâng cao năng lực quản trị, điều hành, công nghệ... mà vẫn còn lơ là, thậm chí xem nhẹ việc đào tạo và thực hành đạo đức nghề nghiệp.
NH là ngành kinh doanh tiền, niềm tin - uy tín phải đặt lên hàng đầu. Với lỗ hổng quy trình, đạo đức và cả cách ứng xử thế này, một vài vụ việc ở cụ thể một - hai NH đang làm ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng hình ảnh, thương hiệu, chất lượng, dịch vụ của cả hệ thống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.