Quyền từ chối của lễ hội

18/02/2019 04:57 GMT+7

Cách đây 4 năm, GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, đã rất buồn khi nhìn thấy những bức ảnh chụp lễ mật của hội Trò Trám (H.Lâm Thao, Phú Thọ).

“Lễ phải thực hiện trong đêm tối, mà không một góc chụp nào không nhìn thấy ánh sáng đèn của điện thoại hay máy ảnh. Nó vi phạm tính thiêng của nghi lễ”, ông nói.
Hội Trò Trám có một lễ mật rất quan trọng, ở đó yếu tố tín ngưỡng phồn thực thể hiện rõ. Khi thực hành lễ này, một cặp sinh thực khí quý sẽ được chạm vào nhau. Cặp sinh thực khí biểu tượng bằng gỗ này là vật thiêng được giữ kín, mỗi năm chỉ mang ra một lần vào lễ mật.
Năm nay, lễ mật vừa được thực hiện. Lượng ánh sáng của đèn vẫn không giảm bớt. Ảnh vẫn được chụp. Và còn hơn thế, một cán bộ của Bộ VH-TT-DL đã livestream thực hành trong buổi lễ này trên chính tài khoản Facebook của mình. Việc livestream này kéo dài khoảng 20 phút. Dù đoạn livestream này sau đó đã bị gỡ bỏ, song nó vẫn là biểu hiện của việc thiếu ý thức trong chính cán bộ ngành văn hóa. Về việc này, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cho rằng nhiều khả năng người này được vào không gian lễ trọng vì người làng nể nang cán bộ ngành văn hóa. Còn về cơ bản, cộng đồng làng nào cũng muốn đảm bảo tính thiêng.
Lễ mật là một không gian văn hóa riêng của cộng đồng địa phương, gắn với nó là những không gian văn hóa thiêng. Vì thế, hậu cung ở đình nhiều làng, có nơi không cho người vào, có nghi lễ chỉ người được chọn mới được tới, tùy theo tập tục. Càng giữ nghiêm lễ mật, không gian thiêng, tính thiêng của nghi lễ càng tăng. Đó chính là bản sắc văn hóa - điều mà các cộng đồng đều muốn bảo vệ. Vì thế, theo PGS Huy, để giữ tính thiêng, việc duy trì cấm kỵ và hạn chế trong các cung cấm cũng như trong các thời điểm của nghi lễ rất nên giữ.
Có lẽ đã đến lúc, cộng đồng văn hóa địa phương cần thực hành “quyền từ chối” của mình. Họ hoàn toàn có thể nói "không" với việc cho người lạ bước vào lễ mật, nhất là lại vào để mang theo ánh sáng cũng như sự ầm ĩ. Người dân có thể e ngại, cả nể cán bộ hay người của truyền thông, song cán bộ văn hóa địa phương cần cho họ biết mình có quyền từ chối. Từ chối để có được điều lớn hơn, sự tôn trọng nghi lễ truyền thống của cộng đồng, cũng như giữ tính thiêng của không gian văn hóa truyền thống.
Những người không thuộc cộng đồng địa phương khi tới lễ hội cũng cần tôn trọng nghi lễ thiêng này. Đó cũng biểu hiện của hiểu biết văn hóa. Rõ ràng, mọi người phải cùng giữ tính thiêng của nghi lễ thì tính thiêng đó mới được giữ gìn tốt được. Việc đó, với hội Trò Trám, bắt đầu bằng cách cộng đồng địa phương học cách từ chối những người không tôn trọng tập tục truyền thống ở đây. Sau đó, cộng đồng ở xa sẽ dần dần học được cách chấp nhận sự từ chối của lễ hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.