Quản lý sính bằng cấp

18/01/2019 04:35 GMT+7

Thông tin Tổng cục Du lịch vừa có công văn gửi các địa phương đề nghị chưa kiểm tra điều kiện người phụ trách kinh doanh lữ hành cho tới hết quý 2 năm nay khiến người ngoài nghề dấy lên nhiều suy nghĩ.

Nghĩa là chính Bộ trì hoãn thực hiện một quy định của luật Du lịch năm 2017 được quy định chi tiết tại Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL. Là vì nếu áp dụng thì sẽ đẩy hàng ngàn lãnh đạo công ty du lịch phải đi học gấp. Văn bản này thậm chí quy định cả giới chủ đầu tư công ty cũng phải đi học lấy bằng chuyên môn về du lịch.
Đi học thì có gì không đúng đâu, nếu đó là đi học để chuẩn hóa kiến thức, cập nhật tri thức mới, phương pháp tiếp cận hiện đại, phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Nỗ lực chuẩn hóa trình độ nhân lực cho ngành du lịch có gì không đúng đâu.
Tuy nhiên, có nhất thiết phải quy đổi yêu cầu này thành yêu cầu về bằng cấp một cách máy móc. Và có nhất thiết, cứ bất cứ vị trí nào dính líu đến kinh doanh du lịch đều phải trình bằng cấp. Máy móc và cứng nhắc như thế thì có khi việc đi học của lãnh đạo doanh nghiệp chỉ là để kiếm lấy tấm bằng cho vừa vặn với quy định quản lý. Học để kiếm tấm bằng, tránh bị đẩy vào tình thế vi phạm pháp luật do quy định thay đổi, chứ chẳng liên quan gì đến bản chất của vấn đề chuẩn hóa chất lượng và tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động du lịch. Kiểu đó rồi có khi thuê nhân viên đi học hộ cũng nên.
Nhìn rộng ra, kiểu tư duy quản lý càng ngày càng đẻ ra những tiêu chuẩn bằng cấp để áp đặt lên đối tượng quản lý nhằm trấn an xã hội về chất lượng và hiệu quả, xét cho cùng sẽ gây ra những hệ lụy phức tạp. Những tiêu chuẩn ấy có thể trở nên hình thức và vô dụng trong nỗ lực kiểm soát đối tượng quản lý. Chẳng hạn ý tưởng đề xuất giáo viên bậc THPT thì phải có bằng thạc sĩ về giáo dục.
Cứ loay hoay với kiểu quản lý sính bằng cấp thì làm sao có thể chạm vào bản chất và cốt lõi sống còn của chất lượng và chuẩn mực được. Đội ngũ nhân lực cứ phải xoay xở lo ứng phó chuyện đi học kiếm bằng, mua bằng thì còn đâu thời gian và tâm sức tập trung vào chất lượng và hiệu quả.
Sao không tập trung vào kiểm soát chất lượng dịch vụ và xây dựng khung pháp lý để kiểm soát nghiêm nhặt, trừng phạt thích đáng những hành vi, hoạt động gian lận, dối trá, lừa đảo, chộp giật trong kinh doanh dịch vụ lữ hành? Mà cứ nhăm nhăm mấy cái văn bằng/chứng chỉ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.