Nước xa khó cứu lửa gần

03/04/2020 04:33 GMT+7

Trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ cuối tháng 3 cách đây vài ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc muốn nâng gói tài khóa từ 30.000 tỉ đồng lên 150.000 tỉ đồng, thậm chí lớn hơn; gói hỗ trợ tín dụng không chỉ dừng lại ở con số 250.000 tỉ đồng mà cần cao hơn nữa.

Động thái này cho thấy, người đứng đầu Chính phủ hiểu rất rõ những áp lực, khó khăn mà các doanh nghiệp (DN) đang đối mặt.
Khó khăn đó không chỉ là những dự báo, nó đã được định lượng cụ thể. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, có hơn 20.000 DN ngưng hoạt động, bao nhiêu trong số đó do không được "hà hơi, tiếp sức" kịp thời? Tính đến giữa tháng 3, đã có 30% sàn giao dịch bất động sản đóng cửa kéo theo hàng vạn môi giới thất nghiệp, nhưng bất động sản, ngành đầu ra cho vài chục ngành liên quan không nằm trong đối tượng được hưởng gói hỗ trợ. Chỉ trong 1 tuần trở lại đây, đã có 4 nhà sản xuất ô tô nước ngoài dừng hoạt động tại VN, trong đó có hãng vừa mở rộng sản xuất chưa đầy nửa năm trước. Mới hôm qua, hơn 10.000 nhân viên của Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia đã phải nghỉ việc không lương, còn trước đó, hàng vạn hướng dẫn viên và nhân viên trong ngành du lịch, dịch vụ chính thức mất việc...
Nhưng đó cũng chỉ là những con số. Đằng sau đó là biết bao thân phận con người đã thấm đòn do dịch bệnh. Khi vé số dừng bán, rất nhiều người không có cơm ăn; phía sau những hộ buôn bán nhỏ phải đóng cửa, biết bao trẻ em bị cắt khẩu phần sữa? Cứ mỗi một DN khó khăn, cuộc sống của nhiều gia đình trở nên bấp bênh, thiếu hụt... Đó là lý do các ông chủ DN phải gắng gượng cầm cự, các hiệp hội phải liên tục lên tiếng kêu cứu.
Hỗ trợ, chủ yếu vẫn là chính sách tiền tệ và tài khóa. Trong khi chính sách tiền tệ đã có bước đi khá chủ động trong việc tái cơ cấu nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất gói vay cũ. Đặc biệt, sau chỉ đạo của Thống đốc NHNN, hôm qua đồng loạt các ngân hàng thương mại đã giảm mạnh lãi vay. Ở một số nhà băng, lãi vay thậm chí thấp hơn lãi suất huy động. Thế nhưng chính sách tài khóa, giải pháp hiệu quả nhất, được DN chờ đợi nhất vẫn khá chậm trễ. Chúng ta đều biết, gánh nặng thuế, phí là hết sức áp lực với DN, người dân, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Cứ hình dung thế này, trong khi doanh thu sụt giảm trầm trọng, thậm chí không có, xoay xở đủ chi phí lương cho cán bộ công nhân viên thôi đã khó thở rồi thì tiền đâu mà nộp thuế đất, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng... Mà nộp trễ là tính lãi, trễ hơn sẽ cưỡng chế, bêu tên... Nếu được hoãn, giãn thuế thì họ có thêm chút dư địa để xoay xở, cầm cự cho qua thời kỳ khó khăn hiện nay. Đó là lý do DN, hiệp hội, người dân cứ ngóng đợi.
Vẫn biết, liên quan đến thuế, có vấn đề phải được Quốc hội thông qua; có cái lại phải đúng quy trình xây dựng dự thảo, lấy ý kiến, trình, điều chỉnh, lấy ý kiến... Thuế, phí cũng liên quan trực tiếp đến ngân sách quốc gia nên chuyện "nâng lên, đặt xuống" chọn chỗ này, bỏ chỗ kia ra khỏi "giỏ" hỗ trợ cũng là điều dễ hiểu. Nhưng với "thời chiến", với việc Thủ tướng đã công bố dịch trên toàn quốc, với sức khỏe DN đã cạn kiệt, chất lượng cuộc sống người dân suy giảm trầm trọng thì áp dụng quy trình của "thời bình" có thể dẫn đến tình trạng "nước xa không cứu được lửa gần", chính sách còn nằm trên giấy thì người dân, DN đã thấm đòn Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.