Niềm tin vào công lý

08/04/2018 06:21 GMT+7

Điều 16.1 của Hiến pháp 2013 nước CHXHCN VN nêu rõ: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.

Thế nhưng, ở VN vẫn có hiện tượng pháp luật đôi khi chưa được thực thi một cách công bằng, nhất là khi đối tượng áp dụng của quy định pháp luật là quan chức, đặc biệt là quan chức cấp cao.
Từ những chiếc xe biển xanh vượt phải, chạy quá tốc độ, cho đến những cuộc điện thoại xin xỏ khi bị cảnh sát giao thông dừng xe do vi phạm. Từ những sợi dây kinh nghiệm rút mãi không hết khi cán bộ vi phạm pháp luật, cho đến tình tiết giảm nhẹ “nhân thân tốt...”. Từ những lô hàng có “gắn mác” ông A, ông B thì được miễn kiểm tra hải quan, cho đến những doanh nghiệp “thân hữu” được ưu ái chỉ định thầu.
Ấy thế nên, khi những tin tức như khởi tố, tạm giam ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, người được phong Anh hùng lực lượng vũ trang; xét xử ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí VN; bắt giam ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước... khiến dư luận nức lòng. Rồi còn cách chức nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công thương của ông Vũ Huy Hoàng... và nhiều vụ việc khác nữa.
Có lẽ, trong cả thập niên qua, chưa bao giờ niềm tin vào công lý của người dân VN lại được nhen nhóm mạnh mẽ như bây giờ. Đó là thứ không chỉ cảm nhận được, mà còn đo đếm được, khi mới đây, báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN (PAPI) đã công bố kết quả cho thấy chỉ số “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” vốn giảm điểm liên tục từ năm 2013, đến 2017 đã tăng trở lại.
Trong cuốn sách Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất: Câu chuyện Singapore: 1965 - 2000, ông Lý Quang Diệu đã viết: “Bắt đầu bằng việc đưa ba người bạn của mình vào tù. Bạn chắc chắn biết điều đó để làm gì, và người dân sẽ tin tưởng bạn”.
Câu nói này nhắc đến những người bạn của ông Lý Quang Diệu, là những quan chức cấp cao trong chính quyền Singapore, đã từng bị xử tù vì tham nhũng và tội phạm chức vụ khác. Có người trong số đó nắm chức bộ trưởng, có người đã từng xin ông Lý Quang Diệu nể tình bạn mà tha cho mình.
Nhưng pháp luật là pháp luật. Luật pháp bất vị thân, là nhằm để duy trì trật tự và công bằng, là điều gắn kết người dân trong một quốc gia thành một dân tộc.
Tham nhũng luôn mang tính từ trên xuống. Nếu cấp trên của mình chính trực và công tâm, thử hỏi làm sao cấp dưới dám nhận hối lộ tràn lan? Vậy nên, xử lý tham nhũng từ những cán bộ cấp cao có vi phạm, luôn là bước đi đúng đắn.
Thực thi pháp luật một cách công bằng, với chính những người đồng chí của mình, chính là cách để chính quyền lấy lại niềm tin từ dân chúng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.