Niềm tin

12/04/2018 05:09 GMT+7

Chưa bao giờ chống tham nhũng từ lời nói đến hành động lại mạnh mẽ như 2 năm vừa qua. Nhưng cũng chưa bao giờ, kể từ 10 năm nay, GDP quý 1 đạt mức tăng trưởng kỷ lục, 7,38%.

Điều này sẽ đặc biệt có giá trị, nếu chúng ta nhìn lại, nhiệm kỳ này của Chính phủ bắt đầu với những khó khăn chồng chất, GDP thấp đáy; sau 2 năm kinh tế phục hồi ngoạn mục, môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể.
Năm 2017 là năm mà chứng khoán VN thăng hoa nhất kể từ khi khai sinh.
3 tháng đầu năm 2018, dòng tiền khổng lồ được "bơm" vào thị trường. VN-Index lên hơn 1.200 điểm, với các phiên giao dịch lên tới cả chục nghìn tỉ đồng; VN thăng 20 hạng về chỉ số thuận lợi môi trường kinh doanh toàn thế giới.
Điều này chứng minh thực tế, chống tham nhũng không những không làm “nhụt chí” mà chính việc làm tốt công tác xây dựng Đảng, chống thoái hóa, biến chất trong bộ máy đã thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Tại phiên họp Ban Bí thư hôm 10.4, Tổng bí thư đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Nói chống tham nhũng làm nhụt chí, không ai dám làm là một tư tưởng sai”.
“Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm” - một lần nữa thông điệp rõ ràng, dứt khoát này của người đứng đầu Đảng ta, cho thấy một tinh thần mới: Ngập ngừng với chống tham nhũng thực sự là lực cản lớn nhất cho sự phát triển đất nước.
Chính tham nhũng, chính sự nhũng nhiễu của những cán bộ có quyền lực bị tha hóa mới là kẻ phá hoại môi trường đầu tư, nó làm cho môi trường cạnh tranh bị méo mó. Thực tế đã chứng minh, không chống được tham nhũng sẽ không bảo vệ được môi trường đầu tư, chứ không phải là điều ngược lại.
Sử gia Lord Acton nói rằng: Quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối. Thế nên, muốn chống tham nhũng thì phải kiểm soát quyền lực. Thực tế cho thấy, trong công cuộc chống tham nhũng của Đảng hiện nay không có “cửa” nào cho kim bài miễn tử.
Quyền lực sẽ được chế ngự khi người nắm quyền có lý tưởng - lấy lợi ích chung, lấy sự phát triển của đất nước làm trọng. Người nắm giữ pháp luật thì phải có lý tưởng là công lý.
Cuối cùng, muốn chống tham nhũng thành công, chúng ta phải có luật nghiêm, công bằng, bình đẳng thôi chưa đủ, lại cần một dư luận xã hội mà ở đó mọi người phải coi tham nhũng như là kẻ cướp bóc tài sản xã hội và đáng bị nghiêm trị; để cho mọi công dân, nhất là cán bộ, công chức phải sợ bị trị tội, vào tù, phải sợ bị xã hội coi khinh, mà không dám tham lam dù là 1 đồng bạc công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.