Người Việt chen lấn

Lê Hiệp
Lê Hiệp
18/03/2019 04:37 GMT+7

Tại một hội thảo về chuẩn mực văn hóa ứng xử mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã thừa nhận, nhiều hành xử thiếu văn hóa của người Việt như chen lấn, lãng phí, xả rác bừa bãi đang có chiều hướng lan rộng.

Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực văn hóa, giáo dục đã rất trăn trở khi đặt câu hỏi: Tại sao người VN đi đâu cũng chen lấn, từ tham gia giao thông cho tới dự lễ hội, trong khi người Nhật Bản ngay cả gặp thảm họa sóng thần vẫn tuần tự xếp hàng? Và ông cho rằng, chỉ cần người dân có văn hóa xếp hàng, biết giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, thì xã hội này sẽ tốt hơn bao nhiêu.
Ông Đam đã nói rất đúng vì chẳng cần phải nghiên cứu gì nhiều về các chuẩn mực văn hóa, người ta cũng biết rằng chen lấn hay xả rác bừa bãi là những hành vi “rất thiếu văn hóa”. Tuy nhiên, để thay đổi được lối hành xử thiếu văn hóa đang ngày một lan rộng này thì chỉ tuyên truyền thôi có lẽ là chưa đủ.
Một nhà báo trẻ tuổi từng viết, rằng trong một đám đông, chỉ cần một người chen lấn, sẽ có chục người, rồi trăm người cũng sẽ chen lấn theo. Nhưng chỉ cần một người dừng lại, những người khác sẽ không chen lên nữa. Người ta có quyền chọn làm mầm bệnh để tạo ra một đám đông chen lấn, hay chọn làm vắc xin để ngăn lại sự hỗn loạn ấy.
Sẽ cần rất nhiều người lựa chọn trở thành một thứ vắc xin để xếp hàng trở thành văn hóa, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng trở thành một thói quen. Những người phải lãnh sứ mệnh tiên phong ấy, trước hết là cán bộ, quan chức trong các cơ quan nhà nước; là thầy cô trong nhà trường; là phụ huynh trong gia đình - những người đang dẫn dắt, tuyên truyền cho thế hệ trẻ về các chuẩn mực văn hóa.
Người ta thường hay đổ lỗi cho giáo dục, rằng học sinh hiện nay không được dạy dỗ một cách đúng mức về việc phải xếp hàng, phải giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, song thật khó có thể dạy cho con trẻ phải biết xếp hàng, không xả rác hay dừng đèn đỏ mới là chuẩn mực, là văn hóa, khi chính ông bà, cha mẹ và những người lớn xung quanh chúng lại đang làm điều ngược lại.
Và càng khó có thể tuyên truyền để những chuẩn mực văn hóa thấm sâu vào tâm lý quốc dân nếu như chính đội ngũ cán bộ, quan chức lại là những người đầu tiên chen lấn để giành được vị trí ưu tiên trong những lễ hội hay sự kiện.
Một độc giả đã gửi tới Báo Thanh Niên một câu chuyện rất đáng suy ngẫm, khi tại buổi lễ trao thưởng cho học sinh xuất sắc của địa phương, vị phó chủ tịch phường đề nghị các phụ huynh nán lại để làm gương cho các cháu, thì chính các cháu học sinh đã phát hiện bác chủ tịch phường đã bỏ về từ khi nào rồi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Muốn văn hóa thấm sâu vào tâm lý của quốc dân, cán bộ, quan chức phải là những người làm gương, ngay từ những việc nhỏ nhất, ấy là xếp hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.