Người dân 'thất thủ'

16/09/2019 04:53 GMT+7

Cơn mưa kéo dài chiều 14.9 lại khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) biến thành sông.

Rất nhiều người đã hỏi nhau, "siêu" máy bơm ở đâu khi nước ngập ngang thân xe khiến không ít phương tiện chết máy, vật lộn dắt bộ giữa những cơn sóng mỗi khi có chiếc xe cố gắng không giảm tốc để nước khỏi ộc vào ống xả?
Trước đó, để giải quyết bài toán ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, UBND TP.HCM đã chốt giá thuê trọn gói máy bơm chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh là 14,2 tỉ đồng mỗi năm với Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung. Để đi đến quyết định này cũng không đơn giản. Máy bơm khủng đã vài lần "trình diễn" để thuyết phục lãnh đạo TP và gặp không ít vướng mắc. Lần thì lượng mưa chưa đủ để máy bơm phát huy thế mạnh công suất lớn nên người dân phải chờ đến thời điểm ngập nặng thì máy mới phát huy hiệu quả. Còn ngập vừa vừa, ngập hơi nặng... thì phải chấp nhận. Cũng đúng thôi, máy bơm thông thường để hút từ bể chứa, còn hút trực tiếp ở mặt đường thì phải đợi ngập cho đủ nước là điều tất nhiên. Lại có lúc mưa lớn, ngập nặng nhưng siêu bơm vẫn thất thủ. Lý do sau đó là do rác, thậm chí nghi vấn có người "chơi xấu" khiến nước không về trạm bơm. Trận mưa ngày 14.9 vừa rồi, đường Nguyễn Hữu Cảnh lại thất thủ vì ngập. Thế nhưng ông chủ siêu bơm khẳng định máy bơm đã hoàn thành nhiệm vụ. Bởi theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, sau khi hết mưa 30 phút mà trên đường vẫn còn ngập trên 10 cm được xem là ngập nhẹ, trên 20 cm là ngập vừa và trên 30 cm là ngập nặng. Tuy nhiên, tối 14.9 mưa lớn kéo dài hơn 3 tiếng và máy bơm đã hoạt động hết công suất, hút hết nước trên đường trước khi hết mưa nên đảm bảo chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh. Nếu như trước đây không có bơm thì tuyến đường này phải ngập 5 - 6 tiếng.
Máy bơm đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng người dân đi qua khu vực này vẫn khốn khổ vì ngập thì đến lúc TP phải xem lại giải pháp chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh nói riêng và các rốn ngập trên địa bàn nói chung có thực sự phù hợp và hiệu quả hay không. Tại sao ngập nước, kẹt xe hàng thập niên qua, đổ rất nhiều tiền, triển khai nhiều dự án mà vẫn ngập? Tại sao từ ngập từng tuyến đường, con phố thì nay có nhiều nơi ngập cả khu, cả phường? Tại sao cứ xóa điểm này lại phát sinh rốn ngập khác? Nên nhớ, TP có cả những giải pháp chống ngập tình thế như máy bơm siêu khủng cho tới dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng... Thế nhưng cứ mưa lại ngập, cứ ngập lại có lý do và trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, người dân vẫn phải vật lộn với mưa gió; chịu thiệt hại tài sản khi xe cộ bị ngập nước hư hỏng; chưa kể những rủi ro về sức khỏe khi dắt bộ giữa tình trạng giao thông hỗn loạn, ô nhiễm môi trường từ nguồn nước trong cống rãnh dâng lên.
Sử dụng siêu bơm mà vẫn ngập, chúng ta nói máy bơm thất thủ; tuyến đường này, con phố kia cũng bị coi là thất thủ khi chìm trong nước... Nhưng thực tế, chỉ có một đối tượng thất thủ, đó chính là người dân. Họ chính là người chịu trận cuối cùng của tất cả giải pháp "thất thủ" đó chứ không phải ai khác. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.