Ngăn chặn ‘sâu mọt’

19/03/2016 05:34 GMT+7

Từ chối đấu giá trạm cấp nước 19 tỉ đồng để bán rẻ lấy... 8 tỉ đồng.

Từ chối đấu giá trạm cấp nước 19 tỉ đồng để bán rẻ lấy... 8 tỉ đồng.

Chuyện thật như đùa ở Cà Mau, một lần nữa cho thấy chủ trương tư nhân hóa, xã hội hóa của nhà nước vẫn còn rất nhiều cán bộ cố tình lợi dụng chức vụ, quyền hạn coi ngân sách như của chùa đục khoét, xà xẻo vô tội vạ.
Việc H.Năm Căn của Cà Mau bán trạm cấp nước 8 tỉ đồng thông qua hình thức chỉ định bán cho một công ty, trong khi có doanh nghiệp khác sẵn sàng trả 19 tỉ đồng cần phải được điều tra làm rõ mức độ sai phạm và cá nhân có liên quan để thất thoát tài sản nhà nước, tiền thuế của nhân dân. Nhưng nó đã và đang gióng lên hồi chuông báo động của quá trình cổ phần hóa, xã hội hóa đưa nền kinh tế mở cửa theo kinh tế thị trường, có sự định hướng của nhà nước.
Phải khẳng định rằng, chủ trương trên là hoàn toàn đúng đắn, song qua nhiều vụ việc ngân khố quốc gia bị đục khoét, cho thấy còn rất nhiều lỗ hổng trong việc quản lý tài sản, giám sát cán bộ. Bài học từ các vụ đại án tham nhũng vừa qua vẫn còn để lại bao chua xót. Một Huyền Như chỉ là phó phòng thuộc chi nhánh của ngân hàng trong một năm rưỡi có thể chiếm đoạt 4.000 tỉ đồng, một Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm của mình dễ dàng nâng khống ụ nổi thực tế là rác thải công nghiệp 2,3 triệu USD lên 9 triệu USD.
Quy mô, tính chất, hành vi mỗi vụ án là khác nhau nhưng nó đều làm cho ngân khố quốc gia ngày một kiệt quệ. Vụ việc đó nếu được ngăn chặn sớm sẽ có bao nhiêu bệnh viện cho người dân được xây dựng, bao nhiêu hộ gia đình cứu đói, bao nhiêu trẻ em nghèo được đi học?
Đảng, Nhà nước ta coi tham nhũng là quốc nạn, điều đó được tái khẳng định ngay tại văn kiện Đại hội XII. Vậy chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn thực trạng nhức nhối này? Hiện nay, Chính phủ đang tiến hành cổ phần hóa một loạt các doanh nghiệp, trong đó có hàng chục nghìn tỉ đồng tài sản được đem ra bán. Quá trình đó phải được thực thi công khai, minh bạch theo đúng quy định của luật Đấu thầu, quy định về đấu giá tài sản. Tất cả phải được thẩm định giá theo đúng quy trình, công khai, minh bạch và cạnh tranh bình đẳng.
Bên cạnh đó, phải có cơ chế giám sát và chỉ ra được trách nhiệm của từng người, từng khâu với chế tài thật nghiêm minh. Ai làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm. Còn không, tài sản của nhà nước sẽ vẫn mãi là hũ gạo, bầu sữa để các con sâu mọt đục khoét và tiền thuế của người dân cứ mãi đội nón ra đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.