Năng suất lao động

01/05/2019 04:53 GMT+7

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của VN có sự cải thiện đáng kể, thậm chí là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Dù vậy, năng suất lao động của VN hiện vẫn đứng gần chót bảng.

Tính theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011), năng suất lao động của VN năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% của Singapore, 18,4% Malaysia, 36,2% Thái Lan, 43% Indonesia và 55% Philippines. Vì sao chúng ta có cải thiện, có tăng tốc mà khoảng cách vẫn cứ xa?
Nhiều ý kiến cho rằng, do VN nghỉ lễ quá nhiều. Đơn cử trong tháng 4 này, chỉ tính 2 dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30.4 - 1.5 đã mất 8 ngày (tính cả thứ bảy, chủ nhật), nếu tính thêm các ngày thứ bảy, chủ nhật trong tháng nữa thì số lượng ngày nghỉ cũng hết 1/3 tổng số ngày trong tháng. Nhìn ở góc độ đó, nghe có vẻ đúng. Nhưng theo số liệu thống kê của Gulfbusiness, VN chỉ xếp thứ 5 trong số những nước có nhiều ngày nghỉ lễ nhất với tổng số 15 ngày. Rất nhiều nước nghỉ nhiều hơn hoặc bằng chúng ta nhưng năng suất lao động vẫn cao như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines... Thậm chí một nghiên cứu còn cho thấy, người châu Âu nghỉ càng nhiều thì năng suất lao động càng cao. Nếu nhìn ở góc độ đó, đổ lỗi cho nghỉ lễ nhiều làm giảm năng suất lao động chưa thực sự chính xác. Cái khác nhau có thể là sau khi nghỉ lễ thay vì dồi dào năng lượng thì rất nhiều người chúng ta lại mất thêm chút thời gian để “lấy lại trớn”.
Năng suất lao động thực tế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như trình độ, tay nghề, công nghệ, giáo dục - đào tạo. Muốn biết vì sao chúng ta cải thiện mà vẫn đứng gần chót bảng, hãy cứ lấy từng chỉ tiêu một ra mổ xẻ, phẫu thuật, chắc chắn sẽ tìm ra bệnh. Đơn cử lĩnh vực du lịch, được coi là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng bao năm qua, nhân lực cho ngành này luôn thiếu và yếu. Thế nên khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản dẫn đầu trong lượng khách quốc tế đến VN nhưng hướng dẫn viên tiếng Hàn, Trung, Nhật của chúng ta lại rất ít. Kết quả là hầu như mảng inbount các thị trường này rơi vào tay nước ngoài khai thác. Rồi lệch pha giữa đào tạo và thực tế dẫn tới cử nhân, kỹ sư ra trường thất nghiệp trong khi các doanh nghiệp thiếu trầm trọng nhân sự chất lượng cao; về công nghệ thì tình trạng nhập công nghệ rác từ Trung Quốc ở nhiều ngành công nghiệp đã được các chuyên gia cảnh báo.
Muốn kéo khoảng cách năng suất lao động giữa VN và các nước trong khu vực, hãy chạy với tốc độ của khu vực chứ không chỉ là cải thiện so với chính chúng ta.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.