Một người 'chây ì', tất cả đều thiệt

12/12/2018 05:08 GMT+7

Xăng giảm nhưng giá cước vận chuyển không giảm, giảm chậm... là chuyện không xa lạ với bất cứ ai. Mà cũng chẳng riêng gì cước vận tải , trước nay có không ít ngành hàng cũng tính kế “chây ì” để kiếm thêm lợi nhuận.

Ngay lúc này, thị trường đang đặt câu hỏi, giá xăng trong khoảng 1 tháng trở về đây đã giảm khá mạnh, theo tính toán cũng khoảng 15 - 17% nhưng giá cước taxi, vận chuyển hàng hóa... lại ngó lơ?
Lý do muôn thuở của các doanh nghiệp này là thủ tục hành chính để thực hiện việc giảm giá lằng nhằng, mất nhiều thời gian nên... thôi. Thậm chí có đơn vị “cùn” hơn, nói không giảm để bù lỗ lúc xăng cao hay khó khăn trong quá trình hoạt động trước đó.
Kinh tế thị trường mà nói chuyện như đùa. Còn nhớ lúc xăng tăng thì hết đơn vị nọ, đơn vị kia kêu khó, than khổ đòi tăng giá. Lúc xăng giảm thì lại “lý do, lý trấu” để trì hoãn. Người tiêu dùng đâu cần biết chuyện “hậu trường”, nội bộ của các vị. Lúc nhiên liệu tăng, các vị tăng thì lúc nhiên liệu giảm, làm ơn giảm xuống một cách sòng phẳng. Thế thôi. Chuyện giá cước hiện giờ cũng giống giá thịt heo, tăng lên rồi đứng luôn ở mức cao, bất chấp các yếu tố hỗ trợ việc giảm giá đã rõ ràng. Đến mức ngành chức năng phải vào cuộc kêu gọi, khuyến cáo... Chỉ vài năm trước, cả xã hội phải chung tay giải cứu thịt heo, giúp ngành này bước qua cơn khủng hoảng thừa do thị trường Trung Quốc dội hàng, từ chối không mua. Những chuyện tương tự vẫn xảy ra ở chỗ này, chỗ kia. Quen thuộc đến mức người ta kháo nhau, có nhiều mặt hàng ở VN chỉ có tăng, không có giảm như điện, nước...
Nhưng trong nền kinh tế thị trường, mọi ngành nghề lĩnh vực đều có liên quan hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp với nhau. Cứ người này chây một tí, người kia ì một tí, tính đúng tính đủ, cả làng thiệt. Ví như giá cước không giảm thì giá thành hàng hóa, dịch vụ phải đội lên. Giá cao thì người tiêu dùng sẽ thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu. Tiêu thụ ít thì vận chuyển cũng giảm, kéo theo doanh thu, lợi nhuận giảm.
Nói chung là được tí chỗ này thì mất chỗ kia. Nhưng cái mất lớn hơn là lòng tin của người tiêu dùng, là hình ảnh không đẹp về một lĩnh vực ngành nghề thiết yếu trong cuộc sống. Hệ quả lớn nhất với kiểu kinh doanh này là khi đối mặt cạnh tranh với các hãng nước ngoài một cách sòng phẳng, họ sẽ mất khách. Minh chứng rõ ràng nhất là sự thất thế ngay trên sân nhà của các hãng taxi truyền thống với Grab. Mới đây thôi, hãng cho thuê xe lớn nhất Mỹ cũng chính thức có mặt tại Việt Nam, khởi động một cuộc cạnh tranh trên phân khúc mới của thị trường vận tải. Tương tự, nếu trước kia, chúng ta chỉ ăn thịt heo từ lò mổ chạy ra chợ thì giờ đây, thịt heo nhập từ Mỹ và nhiều nước khác vào VN ngày càng nhiều...
Trong một sân chơi ngày càng mở, sự cạnh tranh ngày càng lớn... thì những doanh nghiệp thiếu sòng phẳng với người tiêu dùng trước sau cũng bị tẩy chay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.