Mòn mỏi chờ tăng lương

26/08/2015 06:02 GMT+7

Phiên tái họp Hội đồng tiền lương quốc gia ngày hôm qua 25.8 tiếp tục rơi vào bế tắc khi các bên không bên nào chịu nhường bên nào. Đại diện phía người lao động (NLĐ), từ đầu đến cuối vẫn giữ vững lập trường quan điểm, kiên định phải tăng 16,7%, tương ứng từ 350.000 - 550.000 đồng.

Phiên tái họp Hội đồng tiền lương quốc gia ngày hôm qua 25.8 tiếp tục rơi vào bế tắc khi các bên không bên nào chịu nhường bên nào. Đại diện phía người lao động (NLĐ), từ đầu đến cuối vẫn giữ vững lập trường quan điểm, kiên định phải tăng 16,7%, tương ứng từ 350.000 - 550.000 đồng.
Mặc dù thừa nhận mức lương tối thiểu hiện hành đang thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, nhưng đại diện cho giới sử dụng lao động (VCCI) sau khi hạ xuống rồi lại nâng lên cũng nhất định giữ ở mức 10%.
Kết quả khảo sát mức lương của người lao động được Tổng liên đoàn Lao động VN công bố mới đây cho thấy, mức chi tiêu trung bình của NLĐ là 4,247 triệu đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014. So với mức lương tối thiểu cao nhất hiện nay 3,1 triệu đồng ở vùng 1, thì lương tối thiểu đang thấp hơn mức sống tối thiểu hơn 1 triệu đồng và chỉ đáp ứng được 74 - 75% mức sống tối thiểu.
Với đồng lương ít ỏi ấy, NLĐ phải chật vật xoay xở đủ đường. Có tới 20% NLĐ cho biết thu nhập không đủ sống; 31,3% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm; 40,7% vừa đủ trang trải cho cuộc sống; có đến 62,2% NLĐ không có tiền tiết kiệm.
Cách trung tâm Hà Nội không xa, ngay tại các khu công nghiệp ở ngoại thành, có hàng nghìn nữ lao động phải nuốt nước mắt gửi con về quê vì không thể chịu được mức phí gửi trẻ 2 triệu đồng/tháng. Có hàng nghìn công nhân tăng ca làm thêm ngày đêm để đủ tiền trang trải nhà trọ, mức phí sinh hoạt, tiền điện tiền nước tăng tới 10%. Tình cảnh đó phổ biến ở cả Bình Dương, TP.HCM…
Nhìn những con số biết nói không ít người cảm thương, nhưng đáng tiếc lại không làm động lòng các chủ sử dụng lao động vì lo ngại tăng cao giá thành sản phẩm sẽ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của DN.
Tình cảnh éo le của NLĐ khiến cho PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng LĐLĐ thốt lên: “Công nhân vào DN từ hai bàn tay trắng, ra khỏi DN cũng vẫn là 2 bàn tay trắng. Với mức lương bèo bọt, NLĐ đang sống “dặt dẹo”, “vất vưởng”, năng lượng chỉ đủ sức “làm không ra làm, chơi không ra chơi”. Vậy mà họ (giới chủ sử dụng lao động - pv) lúc nào cũng nói lao động là vốn quý”.
Để đạt được sự cân bằng giữa hai yếu tố xã hội và kinh tế luôn là một thách thức. Có lẽ đã đến lúc Hội đồng tiền lương cũng cần phải thay đổi phương thức nhóm họp. Thay vì ngồi máy lạnh, tranh cãi không đi đến hồi kết, các vị thành viên Hội đồng tiền lương cũng nên “vi hành” đến các khu công nghiệp, đến các khu nhà trọ để thấy được nỗi thống khổ của hàng triệu công nhân lao động. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của NLĐ xem có sống được với đồng lương ít ỏi không để có một quyết định sáng suốt hợp lý, hợp tình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.