Minh bạch nguồn tiền

25/09/2018 04:28 GMT+7

Mới đây, một người bạn thắc mắc với người viết rằng khi đến một ngân hàng của Mỹ tại VN để đóng tiền thanh toán thẻ tín dụng, anh phải kê khai nguồn gốc nộp tiền trên giấy khai báo.

Thực tế, đây có thể là điều lạ lẫm với nhiều người, nhưng lại là quá quen thuộc với người dân ở nhiều nước phát triển.
Từ nhiều năm qua, không ít quốc gia đưa ra các yêu cầu khắt khe về việc sử dụng tiền mặt số lượng lớn, ngay cả khi giao dịch với ngân hàng. Điển hình như tại Mỹ, nếu cá nhân hay doanh nghiệp nộp trên 10.000 USD (khoảng 230 triệu đồng) thì phải có giải thích nguồn tiền. Cũng tại Mỹ, khi mua nhà sẽ không có chuyện “đem một cục tiền” đi trả mà nếu có tiền mặt thì vẫn phải chuyển vào ngân hàng để thực hiện thủ tục giao dịch, và ngay khi chuyển tiền vào ngân hàng thì người gửi phải có trách nhiệm giải trình nguồn tiền. Tương tự như thế, khi mua nhà tại nhiều nước như Anh, Canada... người mua dù thanh toán một lần hay trả góp thì đều phải chứng minh nguồn thu nhập, nguồn gốc của khoản tiền.
Tất cả những quy định khắt khe ấy nhằm phòng chống việc sử dụng các nguồn tiền bẩn do phạm tội, tham nhũng, hối lộ mà có. Vòng kiểm soát này được thiết lập ngay từ ngân hàng và các ngân hàng có thể bị chế tài rất nặng nếu buông lỏng trách nhiệm. Việc kiểm soát như thế cũng hợp lý khi các khoản thu nhập, giao dịch tại các nước trên gần như bắt buộc phải thực hiện qua hệ thống ngân hàng. Với những người sở hữu “tiền sạch” cũng dễ dàng chứng minh nguồn gốc số tiền vì tất cả thông tin đều được lưu trữ.
Chính vì thế, việc kiểm soát tài sản của các quan chức cũng được thắt chặt một cách hiệu quả hơn. Tất nhiên, vẫn có những người tìm cách luồn lách để “qua mặt” nhà chức trách nhằm hợp pháp hóa nguồn “tiền bẩn”, nhưng để làm được như thế thì không hề dễ dàng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện trách nhiệm đóng thuế của người dân cũng được thực thi hiệu quả, công bằng. Điển hình như một người dù có thu nhập cao trong năm nhưng phải tốn tiền chữa bệnh thì có thể được giảm trừ các khoản chi phí này khi tính thuế thu nhập.
Từ thực tế trên, để kiểm soát hiệu quả hơn các dòng “tiền bẩn”, VN nên đẩy mạnh hơn nữa quá trình giao dịch phi tiền mặt, bằng cách sớm đẩy mạnh và đa dạng hóa những hình thức thanh toán điện tử đáp ứng mọi nhu cầu người dân. Đồng thời, chính quyền cũng siết chặt việc quản lý tiền mặt, sử dụng nhiều biện pháp kiểm soát các khoản tiền mặt. Có như thế, xã hội không chỉ phòng ngừa tốt tài sản bất minh mà còn giúp đem lại sự công bằng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.