May mà còn có dân giám sát

22/10/2018 04:28 GMT+7

Chuyện một lão nông ở Quảng Ngãi suốt 4 năm tìm chứng cứ thi công gian dối của nhà thầu gói thầu A3 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nói lên điều gì?

Có phải là chuyện người dân rảnh rỗi không biết làm gì nên bỏ công ra làm chuyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” suốt mấy năm ròng? Chưa kể có khi còn chuốc họa vào thân, gặp nguy hiểm tính mạng chứ chẳng chơi.
[VIDEO] Ai phải trả tiền sửa chữa cao tốc 34.000 tỉ "mới đi đã hỏng"?
Thử điểm lại đi, những vụ việc tiêu cực lớn nhỏ khác nhau từng bị phanh phui, bao nhiêu vụ việc trong số đó là nhờ dân phát hiện, nhờ tinh thần trách nhiệm và sự can đảm của người dân? Xây nhà, làm đường gian dối cũng dân phát hiện. Thi cử gian lận cũng dân phát hiện. Xe quá tải hoành hành đường phố cũng dân lên tiếng. Xả thải hủy hoại môi trường cũng dân vạch trần. Cát tặc ngang nhiên hút cát phá bờ cũng dân góp phần tuần tra canh giữ, phát hiện chỉ mặt điểm tên với chính quyền…
Giờ tới mức đại công trình hàng chục ngàn tỉ có đầy đủ bộ sậu giám sát, thanh tra, kiểm tra mà phải để một lão nông tự mình tìm bằng chứng thi công gian dối tố cáo với cơ quan quản lý. Mà gửi thông tin tố cáo lên cơ quan quản lý nhiều khi cứ như thể gửi vào khoảng không.
Người dân tần tảo quanh năm để lo toan sinh kế cho mình và gia đình đã đủ vất vả. Giờ có khi còn phải thêm nhiệm vụ “canh giữ” tiêu cực, “canh chừng” tham nhũng, “canh gác” lãng phí và gian dối.
Để một người dân phải đơn thương độc mã theo đuổi tìm chứng cứ thi công gian dối sai phạm của nhà thầu thì những cơ quan, những đơn vị, những ban bệ này nọ được ra đời để làm nhiệm vụ quản lý, kiểm soát, giám sát đã làm gì với chức phận của họ?
Nói cho nhẹ nhàng, thì chắc là họ “lực lượng mỏng”, “thiếu phương tiện” nên khó giám sát toàn tuyến, khó theo dõi liên tục. Gọi là “lực bất tòng tâm”, rồi dẫn nhau về cái tội danh “thiếu trách nhiệm”.
Còn nói thẳng, là phải nói luôn rằng, một lão nông không nghiệp vụ giám sát thi công mà còn phát hiện được nhiều bằng chứng gian dối với vô số tấm ảnh hiện trường mà các ban bệ chức năng lại không biết thì chỉ có thể nói là cố tình không biết.
Thậm chí người dân gửi bằng chứng tố cáo rành rành mà cũng quyết làm ngơ. Chỉ chờ cho đến khi lòi ra những thực tế khôi hài như trụ bê tông lõi tre, đường cao tốc hư hỏng ngay sau khi đưa vào sử dụng… thì mới nháo nhào lên mà thanh tra, mà kiểm điểm, mà rút kinh nghiệm, mà phê bình, mà gấp rút khắc phục. Chưa kể những lúc ấy mà báo chí im lặng nữa thì coi như “để lâu hóa bùn”.
Thôi tóm lại là, người dân không dư hơi đâu mà tự dưng dấn thân làm chuyện bao đồng như lão nông ở Quảng Ngãi. Nhưng người dân hết cách rồi, trước tình cảnh các ban bệ chức năng cấu kết móc ngoặc tiêu cực, tham nhũng, rút ruột công trình.
May mà còn có những người dân như thế, nếu không chẳng biết thế nào!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.