Mạnh tay với tín dụng đen

08/12/2018 06:33 GMT+7

Hoạt động tín dụng đen với các vỏ bọc bên ngoài dưới dạng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho thuê xe tự lái, công ty vệ sĩ, tư vấn tài chính... thực chất là cho vay nặng lãi.

“Khách hàng” của tín dụng đen không chỉ là người nghèo như trước đây mà hiện đã mở rộng với rất nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ. Và điều khiến người ta bức xúc nhất chính là những hành vi trấn áp, khủng bố khi đòi nợ đang tạo ra những bất ổn xã hội.
Xử lý hoạt động tín dụng đen có thực sự khó khăn như cả xã hội đang thấy? Theo quy định tại điều 468 bộ luật Dân sự 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trong trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng để khép tội người cho vay nặng lãi theo điều 201 bộ luật Hình sự thì cần nhiều yếu tố: cho vay lãi suất gấp 5 lần mức 20%/năm trở lên; thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Khi có đủ 2 yếu tố này, người cho vay nặng lãi mới bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Quy định pháp luật có vẻ đúng là “không đủ sức răn đe” đối với hoạt động cho vay nặng lãi. Nhưng như đã nói, hoạt động tín dụng không chính thức này thực chất là hoạt động tự thỏa thuận. Cái phản cảm và tạo ra bất ổn xã hội, mất an ninh trật tự chính là hành vi côn đồ, lộng hành khi đòi nợ, đòi nợ thuê. Và đây là những hành vi hoàn toàn bị pháp luật nghiêm cấm và lực lượng công an có thể xử lý, nếu nắm địa bàn tốt, cương quyết xử lý mạnh về hình sự đối với hành vi gây rối, đe dọa người khác…
Nhưng để giải quyết tận gốc nạn tín dụng đen nở rộ hiện nay phải có chính sách để kiểm soát và phát triển thị trường vốn hiệu quả. Theo một khảo sát của Hiệp hội Ngân hàng được công bố mới đây thì có những DN vừa và nhỏ mà 60% vốn hoạt động là từ nguồn “tín dụng đen”.
Do vậy, bên cạnh mạnh tay xử lý hành vi cho vay nặng lãi và côn đồ khi đòi nợ như đã nói, nhà nước cần tạo cơ chế kiểm soát thị trường tín dụng hiệu quả; tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ có thể tiếp cận khoản vay của ngân hàng qua nhiều kênh, chính thống hoặc không. Các ngân hàng cần có thủ tục gọn nhẹ để DN, người dân tiếp cận khoản vay theo những cách khác nhau. Chỉ khi thị trường vốn vận hành có kiểm soát thì người dân mới không phải tìm đến tín dụng đen và chịu những hệ lụy côn đồ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.