Lỗ hổng từ quyền lực thuế

Nguyên Hằng
Nguyên Hằng
12/05/2018 06:33 GMT+7

Nghi vấn Chi cục Thuế Q.3 (TP.HCM) giúp bà Hứa Thị Phấn trong vụ thất thoát tại Ngân hàng TrustBank trốn gần 200 tỉ đồng tiền thuế một lần nữa cho thấy, lỗ hổng và quyền lực của ngành thuế là rất lớn.

Nếu không có cơ chế "bít" lại sẽ gây thất thoát rất lớn cho ngân sách.
Cụ thể, bà Hứa Thị Phấn nhận chuyển nhượng căn nhà từ Công ty Lam Giang với giá 450 tỉ đồng, bán ra 1.260 tỉ đồng. Ở thời điểm này có 2 cách tính thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản. Thứ nhất là 25% trên tổng lợi nhuận, tính theo cách này, bà Phấn phải nộp 202 tỉ đồng. Cách thứ 2 là 2% trên tổng giá trị chuyển nhượng, số thuế bà Phấn phải nộp là 25,2 tỉ đồng.
Chi cục Thuế Q.3 đã chọn cách thứ hai, số thu chỉ khoảng 1/8 so với phương án 1. Đó là lý do nghi vấn Chi cục Thuế Q.3 giúp bà Phấn trốn thuế được đặt ra. Lý do này hoàn toàn có cơ sở, bởi xưa nay, ngành thuế luôn chọn áp dụng mức thuế suất thu được nhiều nhất. Thường trong trường hợp không chứng minh được giá đầu vào - đầu ra mới chịu áp thuế suất 2%/tổng giá trị chuyển nhượng. Ở vụ việc trên, giá mua có, giá bán có, mà Chi cục Thuế Q.3 lại chọn cách tính thuế suất khiến số thuế thu được nhỏ hơn rất nhiều thì... đúng là khó hiểu. Nhưng cũng qua câu chuyện này cho thấy, quyền lực của ngành thuế quá lớn. Họ muốn áp dụng thế nào là tùy họ. Đây chính là lỗ hổng để nảy sinh tiêu cực, để giữa hai bên có thể bắt tay nhau, gây thất thoát cho ngân sách.
Đến thời điểm hiện tại, thuế thu nhập cá nhân với chuyển nhượng bất động sản chỉ còn một mức là 2% nhưng việc thất thoát vẫn hết sức phổ biến thông qua việc hạ giá chuyển nhượng. Ví dụ, tổng giá trị chuyển nhượng là 2 tỉ nhưng khai là 1 tỉ, thậm chí 700 - 800 triệu để giảm giá trị đóng thuế. Rất nhiều trường hợp, có sự thỏa hiệp của cơ quan thuế vì tự kê khai quá thấp so với giá thị trường.
Chẳng riêng gì thuế thu nhập cá nhân, ở các sắc thuế khác cũng tương tự. Những doanh nghiệp doanh thu cao nhưng khai thấp, báo lỗ để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp; những hộ kinh doanh cá thể nhưng doanh thu hàng tỉ, thậm chí hàng chục - hàng trăm tỉ mỗi năm vẫn đóng thuế khoán vài ba triệu; những công ty hoành tráng, không khó khăn nhưng vẫn nợ thuế cả năm này qua năm khác... Nếu không có sự buông lỏng, tiếp tay, bao che của cán bộ, nhân viên thuế... làm sao có thể qua mắt được cơ quan thuế?
Chưa nói đến những địa bàn cơ quan thuế gần như bó tay như kinh doanh trực tuyến, mạng xã hội, chuyển giá... thì chỉ cần kiểm soát chính cơ quan thuế trong quá trình hành thu cũng mang lại cho ngân sách một khoản không nhỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.