Lỗ hổng chết người

18/10/2019 04:53 GMT+7

Công an khởi tố vụ án đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà để tìm thủ phạm gây ô nhiễm nguồn nước là việc đương nhiên. Nhưng đó chỉ là một phần của toàn bộ vụ việc gây ra sự cố nước sạch nghiêm trọng cho hơn 280.000 hộ sử dụng nước của Hà Nội suốt hơn một tuần qua.

Vụ án cần được điều tra phải bao gồm cả việc cung cấp nước bẩn cho người tiêu dùng. Khi phát hiện nước đầu ra của nhà máy không đảm bảo, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã không báo cáo cấp có thẩm quyền, không cảnh báo người dân mà vẫn bán nước sinh hoạt như không có chuyện gì xảy ra, là đe dọa sức khỏe, tính mạng của cộng đồng.
Không chỉ phải tìm ra và truy tố thủ phạm đổ chất thải vào nguồn nước mà phải điều tra và truy tố việc đã không có một quy trình kiểm soát hiệu quả sản phẩm đầu ra của các nhà máy nước.
Sự việc những ngày qua cho thấy những lỗ hổng chết người trong việc cung cấp một mặt hàng vô cùng thiết yếu cho xã hội là nước sinh hoạt, cũng như công tác ứng phó với sự cố của chính quyền thành phố.
Thứ nhất, với Viwasupco, nếu giải thích là do nước nguồn bị nhiễm dầu thải, nên nước sạch cung cấp cho các hộ sử dụng có mùi hôi, khét của styren quá giới hạn cho phép, thì phải xem xét điều tra quy trình, công nghệ lọc của Nhà máy nước sông Đà. Nước đầu vào của tất cả nhà máy nước trên thế giới đều là nước thô và nguyên tắc là kiểm soát đầu ra. Nước chỉ được phép đưa vào hệ thống cấp nước sinh hoạt cho người dân khi đảm bảo tuyệt đối các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng. Nếu nói như lãnh đạo Viwasupco thì nhỡ mà nguồn ô nhiễm không phải là dầu thải (để mà cảm quan có thể phát hiện), không hiểu thảm họa xã hội phải gánh chịu sẽ như thế nào.
Thứ hai, cung cấp nước là một dịch vụ công, lâu nay do nhà nước đảm nhận. Cổ phần hóa và cho tư nhân tham gia vào thị trường này, phải được ghi nhận là một sự tiến bộ. Nhưng cũng giống như điện, vì đó là dịch vụ công, nên bắt buộc nhà nước phải đưa ra các chuẩn mực mà các nhà cung cấp phải tuân thủ.
Nhà nước phải kiểm soát để đảm bảo chất lượng nước của các công ty là an toàn tuyệt đối (không được phép sai số) trước khi chảy vào hệ thống cấp nước của thành phố. Nhưng Hà Nội đã không làm được điều này. Thế nên mới có chuyện nhà sản xuất làm ra thứ nước gì thì cứ thế vô tư chảy vào mạng lưới cung cấp của thành phố và đến các hộ dân.
Hà Nội cũng như các đô thị của VN phải xây dựng được hệ thống kiểm soát chất lượng nước sạch sinh hoạt độc lập hoàn toàn với hệ thống của các nhà sản xuất và cung cấp. Không chỉ là “màng lọc” phát hiện, cảnh báo “chất bẩn”, hệ thống này phải hoạt động công khai, minh bạch như mạng lưới dự báo thời tiết để người dân có thể dễ dàng giám sát, nắm bắt các thông tin cập nhật liên quan tới sản phẩm nước sạch mà họ sử dụng hằng ngày.
Thứ ba, sự loay hoay, lúng túng của chính quyền trong những vụ việc như cháy Nhà máy Rạng Đông, nước sinh hoạt nhiễm hóa chất cho thấy chúng ta cần phải có kịch bản để ứng phó chủ động, hiệu quả. Dân dùng nước bẩn chán chê, hít thủy ngân đến sinh bệnh rồi chính quyền mới đưa ra khuyến cáo. Mà cũng chỉ... khuyến cáo vậy thôi, chứ chẳng có phương án thay thế. Dân tự lo thôi!
Thế mà bảo dân phải “tin”, phải “yêu” thì tin yêu thế nào đây?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.