Lệch chuẩn thần tượng

15/11/2019 05:03 GMT+7

Ngỡ ngàng, thất vọng có lẽ là những cảm xúc đầu tiên khi chúng ta chứng kiến cảnh hàng loạt người trẻ cuồng nhiệt bày tỏ sự ngưỡng mộ với Ngô Bá Khá (biệt danh Khá “bảnh” ) tại phiên xét xử sơ thẩm về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc diễn ra ngày 13.11.

Khá “bảnh” nổi tiếng trên mạng với những kiểu tóc kỳ lạ, kiểu nhảy không giống ai, phát ngôn lệch lạc gây sốc, hành vi bất chấp luật pháp… Thế nhưng một con người lệch chuẩn như thế lại được sự ngưỡng mộ đến mức xem là thần tượng của nhiều người trẻ. Ngay khi Khá ”bảnh” bị bắt và đưa ra xét xử, rõ ràng nhiều người trẻ vẫn xem Khá “bảnh” như thể một “anh hùng”.
Giới trẻ dễ dàng tiếp nhận những cái mới lạ nhưng lại là độ tuổi đang khẳng định bản thân, chưa phân định rõ ràng đúng sai - tốt xấu, chưa hiểu tường tận những giá trị của sự chuẩn mực. Cho nên giới trẻ rất dễ bị xô lệch nếu thiếu sự định hướng.
Tuổi trẻ thời nào cũng có những mẫu thần tượng của riêng mình mà đôi khi với người lớn là “không thể hiểu được”. Thần tượng nhằm để chỉ một ai đó được yêu mến đến mức tôn sùng. Thế nhưng phải hiểu rằng sự tôn sùng, ngưỡng mộ thần tượng là hướng đến chân, thiện, mỹ. Nếu chiếu theo điều này thì khi Khá “bảnh” trở thành thần tượng của giới trẻ, đó là một biểu hiện lệch lạc trong cách nhìn của người trẻ trong cuộc sống.
Giới trẻ ngày nay với sự hỗ trợ của công nghệ, sự bùng nổ của các ứng dụng, sức hấp dẫn của mạng xã hội nên đôi khi dễ đắm chìm trong thế giới ảo hơn cả ngoài đời thực. Trong cái thế giới ảo đó, dưới sự tác động của nhóm người “cuồng tín”, người trẻ rất dễ bị dẫn dắt theo đám đông, thiếu định hướng. Điều này lại nằm ngoài tầm kiểm soát của người lớn. Ở chiều khác, chính người lớn đã vô tình đẩy con em, học trò mình vào vòng xoáy của công nghệ, của mạng xã hội mà không có định hướng.
Chúng ta cứ ngỡ công nghệ tạo ra nhiều tiện ích nên đã lạm dụng nó. Cha mẹ cứ để con thoải mái tung tăng lướt mạng bất kể đó là thông tin tốt hay xấu. Nhà trường cứ mải miết với cuộc đua ứng dụng công nghệ vào dạy học mà không chú ý đến mặt trái của nó khi cứ “thả” học sinh trong thế giới mạng còn có quá nhiều những thứ thất thiệt mà chưa kịp hướng dẫn cho họ có một “bộ lọc”.
Một kết quả khảo sát mới đây cho thấy có 38,9% học sinh VN sử dụng internet 3 - 4 giờ/ngày. Và kết quả cũng chỉ ra khoảng 22% học sinh không bao giờ nhận được hướng dẫn của phụ huynh, 15% không bao giờ nhận được hướng dẫn của giáo viên, 15% khác không bao giờ nhận được hướng dẫn của anh chị em và 11% không bao giờ nhận được hướng dẫn của bạn bè để sử dụng internet an toàn.
Chính vì vậy, phải có sự thay đổi trong giáo dụcđịnh hướng người trẻ để họ nhận ra những chuẩn mực trong một thế giới mạng vô cùng rộng lớn và nhiễu nhương. Đồng thời hãy tạo thật nhiều cơ hội để người trẻ bước ra đời thực, tham gia vào các hoạt động để nhìn ra những giá trị của một đời sống thực.
Đồng thời cũng chỉ cho người trẻ biết rằng ai trong đời cũng có thần tượng để hướng tới những giá tốt đẹp nhưng không quỳ gối trước thần tượng, trên vai họ, chúng ta sống một cuộc đời của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.