Lệch chuẩn

23/12/2017 06:32 GMT+7

Việc Tổng cục Hải quan đình chỉ 8 hải quan cửa khẩu Nội Bài do có hành vi, thái độ thiếu chuẩn mực là quyết định kịp thời. Thế nhưng, đáng tiếc là nó xuất phát từ sự phát hiện, tố cáo của người dân (khởi đầu trên mạng xã hội) mà không phải từ sự phát hiện của lực lượng thanh tra công vụ.
Điều 17 luật Cán bộ, công chức quy định: Cán bộ, công chức phải gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ. Đây được coi là chuẩn mực hành vi của công chức trong hoạt động giao tiếp với nhân dân.
Thế nhưng, những hành vi “lệch chuẩn” của cán bộ, công chức không phải là hiếm gặp, nặng nhất được ghi nhận trong lĩnh vực thuế, hải quan, làm thủ tục đất đai... Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2015, thời gian doanh nghiệp và người dân thực hiện kê khai thuế ở VN quá lớn. Một doanh nghiệp mỗi năm cần đến 872 giờ, gấp 4 - 5 lần các nước trong khu vực. Thủ tục không chỉ phiền hà, rắc rối, mà điều đáng ngại là các doanh nghiệp, cá nhân nộp thuế rất không hài lòng về lề lối, tác phong và thái độ của cán bộ thuế (kiểu như mặc áo không cài khuy, không đeo thẻ công vụ, đe dọa, mắng mỏ người dân như 8 cán bộ hải quan kể trên).
Có thể kể ra đây tác hại ghê gớm của sự lệch chuẩn trong hành vi của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ: Trước tiên đó là hành vi vi phạm pháp luật (cán bộ, công chức); gây hậu quả trực tiếp đến chất lượng công việc, hiệu quả, hiệu lực của thực thi công vụ; và là tiền đề có thể gây ra tham ô, tham nhũng, lãng phí, gây mất lòng tin của nhân dân vào công vụ và nhà nước.
Chúng ta đang thực hiện đề án “đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” với mục tiêu: chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả. Nếu xem đây là những giá trị cơ bản của nền công vụ của chúng ta trong thời gian tới, thì bên cạnh việc “giáo dục, bồi dưỡng” nhận thức về chuẩn hành vi của cán bộ, công chức, cần phải tăng cường vai trò giám sát của tổ chức. Lực lượng thanh tra công vụ phải hoạt động thường xuyên và hiệu quả hơn, chứ không phải chỉ được thành lập mỗi khi “hữu sự”.
Đặc biệt, việc đánh giá cán bộ, công chức phải dựa trên mức độ hài lòng của doanh nghiệp và công dân. Nhất thiết loại khỏi tổ chức những cán bộ, công chức có những hành vi lệch chuẩn như nhũng nhiễu có tổ chức, lợi dụng chức vụ gây hậu quả không tốt cho tổ chức, cho công vụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.