Làm luật cho ai?

Vũ Hân
Vũ Hân
31/05/2019 05:01 GMT+7

“Tại sao việc tăng tuổi nghỉ hưu về kinh nghiệm quốc tế , đạo lý, định hướng rất đúng mà lại có nhiều ý kiến phản đối?”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đặt câu hỏi khi thảo luận về bộ luật Lao động (sửa đổi), bộ luật mà ủy ban ông là cơ quan thẩm tra.

Theo ông Lợi, nguyên nhân là “do cơ quan truyền thông và cơ quan soạn thảo chưa làm cho người dân hiểu được vấn đề này”. Đấy cũng có thể là một nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân lớn hơn mà ông Lợi đã vô tình hoặc hữu ý không hiểu, ấy là việc người dân không được hỏi ý kiến, trong suốt quy trình ban hành chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến họ, nói gì đến hiểu.
Chính vì vậy, khi tiếp nhận thông tin (chủ yếu qua báo chí) rất nhiều người đã lên tiếng phản đối. Những người soạn thảo luật hẳn không phải là cô giáo mầm non đã ngoài 50 vẫn phải múa hát, chăm sóc trẻ em; không phải chị công nhân dệt may 37 tuổi ngồi còng lưng bên máy một ngày 10 tiếng; không phải anh công nhân điện tử mắt đã mờ vẫn phải cố đến ngày về hưu, nên không thể biết, việc tăng thêm 2 năm, 5 năm tuổi hưu là gánh nặng với họ đến mức nào.
“Chúng tôi rất lo” - không ít đại biểu khi góp ý về dự thảo luật đã nói như vậy, đặc biệt là các vị đã là đại biểu từ khóa 13. Đây là những người đã có kinh nghiệm với việc điều 60 luật Bảo hiểm xã hội 2014 (không cho người lao động lấy bảo hiểm xã hội một lần) phải sửa ngay trước khi có hiệu lực, vì bị công nhân phản đối. Nguyên do cũng là bởi những người thiết kế luật nghĩ là nó tốt cho công nhân, nhưng công nhân lại không nghĩ vậy.
Theo luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các điều kiện để ra một đạo luật là vô cùng kín kẽ, trong đó không bao giờ thiếu ý kiến góp ý của đối tượng chịu tác động.
Tuy nhiên, cách hiểu “đối tượng bị tác động” lại hơi khác nhau. Đơn cử trường hợp các dự án BOT, Bộ GTVT luôn không hiểu vì sao các dự án đều đã lấy ý kiến góp ý của người dân, nhưng vẫn bị người dân phản đối. Vấn đề ở chỗ “người dân” mà họ lấy ý kiến lại là HĐND địa phương, là đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, chứ không phải những người dân trực tiếp bị ảnh hưởng.
Cũng như trường hợp bộ luật Lao động kể trên, Tổng liên đoàn Lao động VN đã được lấy ý kiến góp ý, nhưng một lần nữa, tổng liên đoàn không thể đại diện cho tất cả người lao động.
Để chấm dứt những đạo luật yểu mệnh, các nhà làm luật phải thực sự chấm dứt lấy ý kiến theo kiểu cho đủ hồ sơ. “Việc lấy ý kiến trực tiếp người dân, kể cả sau khi đã trình luật ra Quốc hội, vẫn nên tiếp tục”, đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khuyến nghị, và thiết nghĩ, cơ quan soạn thảo không có lựa chọn nào khác là nên tiếp thu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.