Kiên quyết xử lý... trên giấy?

03/11/2019 08:07 GMT+7

Một doanh nghiệp tự ý san ủi cả quả đồi, rộng trên 8 ha dọc theo QL14, thuộc xã Nâm N’Jang, H.Đắk Song, tỉnh Đắk Nông suốt 2 năm qua, như thể ở chỗ không người.

Đúng ra là, chính quyền địa phương từ xã đến huyện rồi lên tỉnh, tất cả đều rất mạnh miệng tuyên bố “kiên quyết xử lý nghiêm”, nhưng quả đồi thì đã thành bình địa.
Báo chí cho biết 250 lô đất giai đoạn một đã được cắm mốc giới, trong đó có 70 lô giá từ 200 triệu đến 600 triệu đồng đã giao dịch xong, nhưng chính quyền xã Nâm N’Jang chỉ phạt doanh nghiệp nọ có 13 triệu đồng sau 4 lần “lập biên bản”. Như vậy, bình quân mỗi lần “đoàn kiểm tra liên ngành” của xã đến hiện trường lập biên bản và xử phạt doanh nghiệp vi phạm chỉ hơn 3 triệu đồng một chút. Không biết số tiền mỗi lần phạt nói trên liệu có đủ cho “đoàn kiểm tra liên ngành” ăn trưa không? Phạt như thế, dân gian gọi là phạt kiểu gãi ngứa!
Lãnh đạo UBND xã Nâm N’Jang phân bua rằng, sau mỗi lần phạt, xã đều buộc ông Nguyễn Ngọc Bắc - chủ nhân của khu đất đã san ủi nói trên, phải trả lại nguyên hiện trạng của ngọn đồi, nhưng ông Bắc vẫn phớt lờ, tiếp sục san ủi rồi phân lô bán nền như mọi người đã biết.
Trong khi đó, ông Phó chủ tịch UBND H.Đắk Song Lê Viết Sinh thì khẳng định khu vực mà ông Bắc san lấp ấy đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng không một cơ quan nào cho phép ông ta san lấp mặt bằng, việc phân lô bán nền để hình thành khu dân cư tại đây lại càng không. Vì vậy, việc tự ý san ủi rồi phân lô bán nền của doanh nghiệp là vi phạm pháp luật!
Không được phép nhưng doanh nghiệp vẫn cứ san ủi trong suốt 2 năm trời mà chính quyền các cấp vẫn không làm gì được họ, ngoài việc “kiên quyết xử lý”... trên giấy, kể cũng lạ thật. Rõ ràng kỷ cương phép nước ở đây đã bị xem thường. Hay luật ở Đắk Song khác với luật ở các nơi?
Ngay như Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đắk Nông, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai nhưng sau 2 năm doanh nghiệp “tung hoành” như thế, mà ông giám đốc sở này cũng chỉ dừng lại ở việc “đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành kiểm tra, tập hợp hồ sơ”. Rõ ràng, có một điều gì đó thật khó hiểu trước cách xử lý một vụ việc “hai năm rõ mười” như trường hợp trên đây. Đất của doanh nghiệp thì đã được chuyển đổi mục đích sử dụng, thậm chí đã có sổ đỏ một phần diện tích, nhưng xin được san lấp mặt bằng thì bị chính quyền “ngâm” cho... thối ra. Đấy chính là lý do để doanh nghiệp “xé rào” bất chấp luật pháp.
Việc doanh nghiệp “xé rào”, qua mặt pháp luật như ở Đắk Song không phải là trường hợp cá biệt. Phải có chỗ tựa lưng nào đó thì doanh nghiệp mới ngang nhiên làm vậy, dư luận đã phỏng đoán như thế không phải là không có cơ sở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.