Không thể buông lỏng

05/10/2018 05:04 GMT+7

Nguy cơ trở thành bãi đáp nội tạng động vật đã được cảnh báo nhưng người tiêu dùng và chăn nuôi trong nước vẫn không khỏi lo lắng. Bởi trên thực tế, có khá nhiều cảnh báo, thậm chí ngay cả khi có lệnh tạm ngưng nhưng hàng cấm nhập vẫn tràn vào nội địa.

Rõ nhất là tình trạng phế liệu vẫn đang ùn ùn chảy vào VN dù Chính phủ đã tăng cường nhiều giải pháp siết chặt tình trạng nhập khẩu từ nhiều tháng nay. Đến cuối tháng 7, Thủ tướng yêu cầu không cấp phép nhập khẩu mới. Thế nhưng, cuối tháng 9, Trung tâm thông tin thương mại Bộ Công thương trích dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, sắt thép phế liệu nhập khẩu vào VN từ tháng 1 - 8.2018 tăng rất mạnh ở nhiều thị trường. Tổng cộng lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu vào VN đạt 3,48 triệu tấn, kim ngạch tương đương 1,22 tỉ USD, tăng mạnh 20,7% về lượng và tăng 50,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nhập khẩu từ thị trường Hà Lan tăng đột biến gấp 403 lần về lượng và tăng gấp 602,4 lần về kim ngạch so với cùng kỳ. Nhập khẩu từ Campuchia tăng gấp 12,7 lần về lượng và gấp 20 lần về kim ngạch... Thực ra từ cuối năm 2017 khi Trung Quốc tuyên bố dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu khiến nhiều nước phát triển tìm kiếm thị trường mới, đã có nhiều cảnh báo VN đang đứng trước nguy cơ trở thành bãi thải của thế giới. Kết quả đến giờ này, tại nhiều cảng, tình trạng container phế liệu nhập khẩu tồn đọng chất đống, chưa có phương án giải quyết.
Nhắc lại để thấy, nỗi lo VN trở thành bãi đáp nội tạng động vật là hoàn toàn có thể hiểu được. Người tiêu dùng và người nông dân đã từng điêu đứng, khốn khổ với không ít sản phẩm nông nghiệp thiếu chất lượng, thải loại được nhập khẩu tràn lan vào thị trường nội địa. Chẳng nói đâu xa, cách đây 2 - 3 tháng, gà trọc đầu Trung Quốc, gà dai Hàn Quốc hay phụ phẩm từ gà chân, cánh... các nước thường chỉ dùng làm thức ăn cho chó, mèo lại tái xuất bày bán ở nhiều nơi. Chỉ khi báo chí lên tiếng, mới thấy giảm bớt.
Tình trạng này đã từng xảy ra khoảng 4 năm trước, thời điểm năm 2012 - 2014. Sau khi được nhiều cơ quan cảnh báo, người tiêu dùng e ngại mới tự động rút lui. Hay năm 2015, các doanh nghiệp trong nước đã tính đến chuyện kiện Mỹ bán phá giá thịt gà vào thị trường VN khi giá gà nước này nhập vào chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Với giá này, gà nội không thể cạnh tranh, người nuôi trong nước điêu đứng. Sau rất nhiều phân tích rằng không thể có giá gà Mỹ rẻ đến vậy, nghi gà nhập đang bán phá giá vào VN hoặc là nguồn gà cận date hoặc gà nhập về từ vùng dịch bệnh được đặt ra nhưng rồi... cũng không có câu trả lời cuối cùng.
Phế liệu, nội tạng động vật, thịt thải loại... nhập khẩu không chỉ gây ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp trong nước mà còn gây tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Vì vậy, cái gì cần cấm, phải cấm; xử lý thật nặng những cá nhân, doanh nghiệp vi phạm. Cái gì không thể cấm, phải xây dựng hàng rào kỹ thuật khắt khe để bảo vệ thị trường nội địa. Không thể buông lỏng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.