Hiểm họa từ phế liệu nhập khẩu

27/07/2018 04:50 GMT+7

Không chỉ đối mặt với nguy cơ trở thành bãi thải của thế giới, rất nhiều hàng cấm, thậm chí ma túy đã được trà trộn trong phế liệu nhập vào VN.

Năm 2017, tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu tăng gấp 2 lần năm 2016. Nửa đầu năm 2018, khối lượng phế liệu nhựa nhập khẩu tiếp tục tăng đột biến.
Nhiều cảng lớn trên cả nước khốn khổ vì hàng ngàn container phế liệu nằm chồng chất ngày này qua ngày khác. Một số nơi đã phải sử dụng tới biện pháp ngưng tiếp nhận phế liệu nhựa, bên cạnh việc siết chặt kiểm tra đầu vào thông qua việc lấy mẫu phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của Tổng cục Hải quan. Việc lấy mẫu kiểm định đã gặp phản ứng của một số doanh nghiệp (DN) ngành giấy, sắt vì tăng thời gian chờ đợi thông quan, gây ách tắc hàng hóa…
DN có lý của họ. Chậm thông quan một ngày là tốn tiền một ngày, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, sức cạnh tranh của họ. Thế nhưng, vụ 100 bánh cocaine chứa trong một container thuộc lô hàng phế liệu gồm 17 container do tàu Mark Shenzhen (quốc tịch Liberia) vận chuyển được phát hiện ở Tân Cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho thấy không siết không được, thậm chí phải siết chặt đầu vào, nếu không VN sẽ trở thành bãi đáp của phế liệu, của hàng cấm, kể cả ma túy như nói trên.
Cũng phải nhắc lại là, bối cảnh thế giới cũng đang khiến nguy cơ phế liệu tràn vào VN là rất lớn. Cụ thể, từ cuối năm 2017, Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế khiến các nước thường xuyên xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, một số nước Bắc Âu... phải tìm đối tác, thị trường nhập khẩu mới như VN, Thái Lan, Malaysia... Ước tính, hiện có khoảng 500.000 container phế liệu đang lênh đênh trên biển khu vực Đông Nam Á, phải tìm bến đỗ. Nếu không dựng hàng rào an toàn, hàng phế liệu sẽ tràn ồ ạt vào nước ta. Cũng vì tính nguy cấp này, giữa tháng 7 vừa qua, các bộ gồm TN-MT, Tài chính, Công thương, Công an, GTVT... đã có cuộc họp tìm giải pháp ngăn chặn phế thải tràn vào VN. Ngày 24.7, một cuộc họp liên ngành với nội dung tương tự do Bộ TN-MT chủ trì cũng đã diễn ra.
Chiều 25.7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu vào VN và các giải pháp quản lý. Thủ tướng yêu cầu rà lại tất cả các giấy phép còn hạn ngạch, không cấp mới giấy phép DN nhập phế liệu. Sau cuộc họp, Thủ tướng nhất trí cần ban hành chỉ thị về vấn đề này theo hướng làm rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành.
Nhắc lại để thấy hiểm họa phế liệu nhập khẩu là rất lớn và việc siết chặt công tác tiền kiểm, hậu kiểm; bít lại các khe hở để bảo vệ môi trường là điều cần thiết và phải làm hết sức quyết liệt nếu không muốn VN trở thành bãi thải của thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.