Hậu quả kép

04/03/2019 04:24 GMT+7

Có địa phương chỉ hỗ trợ người nông dân 27.000 đồng/kg lợn nhiễm dịch ( tả châu Phi ), thấp hơn mức 38.000 đồng mà Chính phủ phê duyệt và còn rất xa mới bằng giá thị trường (khoảng 50.000 đồng/kg).

Và đó có thể chính là nguyên nhân khiến lợn chết vì dịch tả châu Phi bị lén bán tháo ra thị trường, thay vì tiêu hủy theo quy định.
Tình trạng này cũng từng được ghi nhận với dịch lợn tai xanh, dịch lở mồm long móng, hay dịch cúm gia cầm trước đây.
Của đau con xót, người nông dân đáng thương hơn đáng trách; nhất là trong cơn bối rối, họ tặc lưỡi, dịch tả lợn châu Phi làm đàn lợn nhiễm bệnh chết hàng loạt, nhưng lại không ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn như khuyến cáo của cơ quan y tế.
Nhưng cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là chính quyền các địa phương thì không thể và không được phép “tặc lưỡi”. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, từ ổ dịch đầu tiên, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 7 tỉnh thành phố và chưa có dấu hiệu dừng lại. Số lợn chết cũng không dừng lại ở con số hàng nghìn.
Theo Bộ NN-PTNT, để dập dịch ở gia súc, gia cầm nói chung, dịch tả lợn châu Phi nói riêng, việc tiêu hủy, xử lý lợn nhiễm bệnh nhanh chóng và tại chỗ là vô cùng quan trọng. Nhưng hãy nhìn dịch bệnh lở mồm long móng vẫn đang tiếp tục tiêu hao đàn lợn để thấy, công việc này chưa được làm một cách hiệu quả, dù các địa phương đều tuyên bố đã “căng sức” chống dịch.
Nguyên nhân thì nhiều, nhưng cơ bản vẫn do chính sách không đủ mạnh, chính quyền chưa đủ quyết tâm.
Thay vì kêu gọi người dân “tự giác” tiêu hủy lợn bệnh với mức hỗ trợ hà tiện, chính quyền các địa phương hãy vì tương lai của đàn lợn 28 triệu con, cần có phương án hỗ trợ lợn bệnh sát giá thị trường, phù hợp với từng đàn lợn.
Bộ NN-PTNT thay vì “khuyến cáo”, cần ban hành ngay chính sách cắt giảm thủ tục để khuyến khích người dân thông báo khi đàn lợn dịch bệnh, không giấu dịch và bán chạy lợn bệnh, nhằm ngăn dịch lây lan. Còn cứ với tình trạng duy trì mức hỗ trợ thấp, thủ tục phiền hà như hiện nay, không thể trách người nông dân gạt nước mắt bán tháo đàn lợn nhiễm bệnh, thậm chí lợn đã chết ra thị trường.
Và một khi đã có chính sách đầy đủ, hỗ trợ phù hợp thì lại cần phải xử lý thật nghiêm đối với những người cố tình phát tán nguồn bệnh, tức là không tiêu hủy lợn bệnh, hoặc bán tháo lợn bệnh ra thị trường.
Bởi lẽ, hậu quả kép của chuyện này ai cũng nhìn thấy. Nó không chỉ làm dịch bệnh tiếp tục lây lan, tiêu hao đàn lợn, phá hoại chăn nuôi mà còn gây hại lâu dài cho sức khỏe người tiêu dùng, làm hoang mang xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.