Giữ báu vật không đơn giản

06/10/2016 06:17 GMT+7

Số phận của bức tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Mễ Sở (Hưng Yên) cho tới giờ thật lận đận. Hai mươi năm trước, tượng từng bị trộm, nhưng sau được công an tìm thấy mang trả lại.

Với lần mất vào cuối tháng 9 vừa qua, không ai dám chắc tượng được trả lại. Nếu không được trả lại, một phần của ký ức văn hóa về thế kỷ 18 cũng mất theo pho tượng này. Khi bức tượng Phật Bà Quan âm Mễ Sở chưa được tìm thấy, rất có thể nó cũng đang trên đường đi sang một nước khác. Người dân trong nước, nhất là người dân của chính di tích mà nó được chế tác để đặt vào, sẽ không còn cơ hội tiếp cận bức tượng nữa.
Không chỉ có bức tượng trên lận đận như vậy. Các hiện vật trong di tích ở nước ta dường như chưa được quan tâm bảo vệ tương xứng. Rất nhiều sắc phong, tượng cổ, đồ thờ… đã bị lấy đi, thậm chí có chùa còn bị trộm viếng nhiều lần. Trong cuốn Rong ruổi thực lục, TS Trần Đức Anh Sơn có nhắc đến một hiện vật quan trọng trong văn hóa Chăm. Đó là linga kosa - một loại linga có đầu tượng bằng vàng, bạc, đã không còn ở VN.
Tất cả những mất mát trên đều là sự mất mát ký ức văn hóa. Bởi mỗi cổ vật có thể là chứng nhân của nhiều điều. Chiếc bình thiên nga tìm thấy trên tàu đắm Cù Lao Chàm cho thấy có một con đường thông thương gốm Hoàng thành Thăng Long. Nó cũng cho thấy những người thợ đã mang ảnh hưởng gốm lò quan ra dân gian như thế nào. Chiếc đèn hình người quỳ bằng đồng tìm thấy ở Thanh Hóa lại cho thấy giá trị của đèn, của lửa trong các lễ nghi của người xưa. Tượng Quan âm chùa Mễ Sở lại cho thấy sự phóng khoáng trong tư tưởng người thợ qua cách phá bỏ các khuôn mẫu tượng Phật.
Giờ đây, việc phân cấp đã đặt vào tay các địa phương nhiệm vụ giữ những cổ vật mang ký ức văn hóa đó. Qua cách giữ các cổ vật trong di tích, người ta có thể thấy ý thức giữ ký ức của chính các lãnh đạo tỉnh. Ở Yên Tử (Quảng Ninh), trong cuộc họp bàn về chiếc hộp vàng thời Trần khi vừa tìm thấy, có sự xuất hiện của cả lãnh đạo địa phương. Và ngay lập tức, chủ trương phải có một nơi trưng bày rất an toàn, người dân dễ tiếp cận cổ vật này được chọn lựa.
Vì thế, đằng sau mỗi lần mất cổ vật có sự chưa ổn của công tác bảo quản. Cũng có cả sự lỏng lẻo trong ý thức của nhà chức trách. Nhất là khi mỗi lần cổ vật mất đi đều mất thật, còn kiểm điểm trách nhiệm cá nhân chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở là cùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.