Giang hồ thách thức chính quyền

13/05/2020 04:25 GMT+7

Có cảm giác, mỗi khi có vụ việc giang hồ lộng hành làm mưa làm gió đến mức không thể tưởng tượng nổi thì đó cũng là một điều may mắn cho xã hội.

May mắn là vì, phải đến mức đó thì chính quyền mới quyết liệt vào cuộc, trấn áp tội phạm, bắt xử những kẻ cầm đầu. Còn nếu không đến mức đó, thì có thể băng nhóm xã hội đen cứ ngang nhiên tác oai tác quái trong xã hội mà không ai đụng tới. Thậm chí, họ còn tự hào bước vào vị thế doanh nhân có ảnh hưởng trong xã hội.
Tại Thái Bình, một Đường “Nhuệ” khét tiếng ngang tàng thực thi nhiều quyền lực đen trong xã hội hàng năm trời mà chẳng có chính quyền nào đụng đến. Thậm chí năm 2014 Đường “Nhuệ” từng liên can đến chuyện ngang nhiên đánh người ngay tại trụ sở công an. May mắn là, vợ chồng Đường “Nhuệ” ngày càng lộng hành, không biết “điểm dừng”, ra tay đánh người và đến ngày 30.3, chính quyền mới phải quyết liệt ra tay trừng trị.
Ở Biên Hòa (Đồng Nai), những băng giang hồ như Giang “36”, Toàn “Đen”, Thắng “Hà Nội”, Loan “Cá” hoành hành như chốn không người, nào là tổ chức đường dây tín dụng “đen” cho vay lãi suất cắt cổ, nào là ngang nhiên chặn đường, bao vây xe người khác gây hấn, dùng vũ lực đe dọa tiểu thương khu chợ công nhân để thu tiền bảo kê và nếu ai không chịu nộp thì cưỡng đoạt tài sản và “xử” không thương tiếc. Cũng may là, nhờ xảy ra chuyện này chuyện kia quá chướng mắt, như chuyện bao vây ô tô có chở trung tá công an, thì sau đó lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt để xóa sổ những băng nhóm này.
Mới đây nhất là chuyện ở Phan Thiết (Bình Thuận). Cặp “vợ chồng N.Đ” ngang nhiên cưỡng chiếm đất công, xem trời bằng vung, thậm chí nổi lửa đốt rừng trên phạm vi đất công đã chiếm dụng, thuê giang hồ mang mã tấu đến đe dọa người dân, đẩy chính quyền địa phương vào cảnh chạy theo đối phó mà không biết phải làm sao. Nhưng sự may mắn có vẻ như đã bắt đầu xuất hiện: công luận và báo chí đã lên tiếng sau thời gian dài chính quyền “chịu đựng” đến mức khó hiểu.
Nói “may là” thì cũng phải đặt ra phản đề “nếu không may thì sao?”.
Là người dân muốn làm ăn mua bán ở chợ phải nộp tiền bảo kê cả triệu đồng mỗi tháng. Là những người bán hàng rong nghèo cùng cực rồi mà vẫn phải nộp tiền bảo kê 50.000 đồng mỗi ngày. Là người dân hiền lành phải vội vàng bán đổ bán tháo mảnh đất thuộc quyền sử dụng của mình cho xã hội đen để mua lấy sự yên thân. Là người dân nghèo lỡ vay vài triệu đồng của tín dụng đen thì coi như bán luôn mạng sống mà trả nợ. Là bác sĩ chữa bệnh cho người mà không biết sẽ bị chém trả thù lúc nào.
Là thứ luật có sức mạnh nhất trong xã hội sẽ là luật rừng được thực thi bởi lực lượng xã hội đen!
Mà nếu đã đến thế tức là giang hồ thách thức chính quyền chớ còn gì nữa! Rất may, chính quyền đã chứng tỏ sức mạnh của pháp luật mà không quá trễ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.