Giám sát tới cùng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
16/08/2019 06:00 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi kết luận phiên chất vấn đã khẳng định, việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp lần này cho thấy tính liên tục, toàn diện trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Ngày 15.8, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn cùng lúc 15 vị bộ trưởng, trưởng ngành và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ xung quanh việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và kết luận chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kể từ đầu nhiệm kỳ khóa 14 tới hết năm 2018.
Lâu nay nhiều người vẫn cho rằng, các hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử ít nhiều mang tính hình thức khi các nghị quyết về giám sát, kết luận, nghị quyết về chất vấn nhiều khi phải chịu số phận ủ ê trong các ngăn kéo tủ. Thậm chí, các bộ trưởng, trưởng ngành nói tới hàng trăm lần từ “xin hứa”, “xin nhận trách nhiệm cá nhân” tại các phiên chất vấn để rồi phiên chất vấn sau lại lặp lại y chang những “điệp khúc” này.
Nói như vậy là để thấy rằng, giám sát lại hậu giám sát, chất vấn lại hậu chất vấn là việc rất cần thiết để Quốc hội (QH) và các cơ quan của QH đánh giá được sự nghiêm túc của các thành viên Chính phủ trong việc thực hiện những lời hứa của mình cũng như giải quyết những tồn tại, hạn chế đã được QH chỉ ra qua các đợt giám sát và chất vấn.
Chính Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khi kết luận phiên chất vấn đã khẳng định, việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp lần này cho thấy tính liên tục, toàn diện trong hoạt động giám sát của QH. Không chỉ thế, nó còn thể hiện tinh thần, trách nhiệm của QH và các cơ quan của QH, đại biểu QH trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát.
Tinh thần này đã được thể hiện rất rõ trong phiên chất vấn hôm qua khi các vị đại biểu QH, thậm chí cả chủ nhiệm ủy ban của QH cũng đặt ra những câu hỏi thẳng thắn, trực tiếp về trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành. Có vị đại biểu còn đòi bộ trưởng phải nhận trách nhiệm khi không trực tiếp trả lời phiếu chất vấn của đại biểu QH mà lại ủy quyền cho thứ trưởng.
Sự quyết liệt của các đại biểu QH không tạo ra sự “sứt mẻ” nào giữa họ và các bộ trưởng, trưởng ngành. Ngược lại, tinh thần “đeo bám đến cùng” ấy chính là cơ hội để các thành viên Chính phủ thấy rõ, làm rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong ngành mình và sớm có giải pháp khắc phục.
Giám sát tới cùng những nội dung đã được giám sát một cách trách nhiệm chính là điều mong mỏi của cử tri, nhân dân đối với các đại biểu QH cũng như QH - những người đại diện cho quyền lợi, ý chí của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân.
Giám sát tới cùng cũng là cách hiệu quả nhất để các thành viên Chính phủ thực hiện tốt nhất công việc trong lĩnh vực mình được phân công chứ không thể hứa xong, nhận trách nhiệm xong... rồi để đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.