Đừng gắn 'hộp đen' cho có

24/11/2018 07:07 GMT+7

.

Sau khi tai nạn xảy ra, thông tin từ cơ quan chức năng cho biết chiếc xe bồn đã chạy ở tốc độ trên 80 km/giờ, thậm chí có lúc khoảng 100 km/giờ, dù tốc độ tối đa cho phép ở khu vực trên chỉ 60 km/giờ nếu trong khu dân cư và 80 km/giờ nếu ngoài khu dân cư.
Rõ ràng, tai nạn khó có thể gây ra hậu quả thảm khốc như thế nếu chiếc xe bồn không chạy ở tốc độ quá cao. Và cũng rất rõ ràng rằng nếu việc kiểm tra giám sát an toàn giao thông đường bộ được thực thi nghiêm ngặt hơn thì khó có chuyện người dân bắt gặp những chiếc xe bồn, xe tải “chạy như bay” trên đường kéo theo vô vàn nguy cơ tiềm ẩn với hậu quả khó lường.
Thời gian qua, theo luật định, các loại phương tiện đường bộ hoạt động kinh doanh như taxi, xe khách tuyến cố định, xe khách hợp đồng, xe tải, xe bồn... phải gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT). Thế nhưng, dữ liệu này hiện đang được khai thác định kỳ hoặc chỉ “khi có chuyện” thì mới vào cuộc truy xuất. Cũng như chiếc xe bồn trên chỉ bị phát hiện đã chạy quá tốc độ sau khi gây tai nạn thảm khốc.
Trong khi đó, với nền tảng công nghệ hiện nay không quá khó khăn để tổ chức cập nhật thông tin “hộp đen” theo thời gian thực để tiến hành ngăn chặn kịp thời nguy cơ xảy ra tai nạn. Vài tháng trước, người viết được nghe một chuyên gia đến từ một tập đoàn vận chuyển hành khách hàng đầu Nhật Bản chia sẻ về quy trình đào tạo, kiểm soát lái xe. Trong đó, việc đào tạo và kiểm soát nhằm đạt được tiêu chuẩn an toàn chủ động. Không chỉ khai thác thông tin từ “hộp đen” một cách thường trực để kịp thời chấn chỉnh tài xế sai phạm, họ còn có cả thiết bị theo dõi phân tích hành vi tài xế để kịp thời phát hiện những bất thường như tài xế này đến những cung giờ nhất định trong ngày thì hay mất tập trung, tài xế kia còn thiếu bình tĩnh trước một số tình huống... Sau khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, lực lượng giám sát sẽ tìm cách khắc phục ngay.
Thực tế, nhiều nước phát triển đang đề cao nguyên tắc an toàn chủ động lên trên các biện pháp xử lý, truy cứu trách nhiệm sau khi xảy ra tai nạn. Chính vì thế, đã đến lúc ngành giao thông đừng chỉ bắt buộc xe kinh doanh vận tải gắn “hộp đen” mà còn phải có cách khai thác thông tin từ hộp đen một cách chủ động hơn. Nếu không thì việc gắn “hộp đen” chỉ mang ý nghĩa cho có. Chúng ta cần nhớ rằng khi hậu quả đã xảy ra, người dân đã thiệt mạng thì dù có truy cứu trách nhiệm nghiêm khắc nhất người vi phạm, cũng không thể bù đắp thiệt hại cho nạn nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.