Đua nhau làm giàu cho công ty vàng

27/02/2020 04:34 GMT+7

Giá vàng cao đổ xô đi mua, giá giảm lại nơm nớp đi bán...; kịch bản này không mới, cũng không chỉ diễn ra với thị trường vàng mà chứng khoán, bất động sản và một số mặt hàng thiết yếu khác... đều từng trải qua.

Mới nhất cách đây 3 ngày, giá vàng được các đơn vị kinh doanh trong nước đẩy lên đến 50 triệu đồng/lượng, tăng tới 3 triệu đồng/lượng chỉ trong một ngày. Đáng nói là phiên đó giá vàng thế giới cũng chỉ tăng 1,2 triệu đồng/lượng, bằng 1/3 mức tăng của vàng trong nước. Đáng nói hơn là sau khi “bốc” giá vàng thẳng đứng, các đơn vị kinh doanh vàng cũng lập tức kéo giãn khoảng cách chênh lệch giá mua - giá bán lên mức kỷ lục, từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng/lượng. Nghĩa là họ bán cao nhưng mua vào rất thấp. Do đó, mang tiếng tăng 3 triệu đồng/lượng, người mua buổi sáng khi vàng chưa tăng rồi bán lại buổi chiều khi giá đã tăng mạnh, vẫn không có lời.
Nói thế để thấy sự tăng có chủ ý của giá vàng trong nước. Đơn vị đầu tiên kéo giá vàng lên sát 50 triệu đồng/lượng gây náo loạn thị trường ngụy biện rằng “vì không có vàng bán nên để giá cao”. Nhưng Ngân hàng Nhà nước, đơn vị đang quản lý thương hiệu vàng SJC ngay ngày hôm đó đã khẳng định, lượng giao dịch có tăng nhưng không đáng kể, chưa cần phải ra tay bình ổn. Nói thế để thấy sự khan hiếm giả tạo mà một số đơn vị kinh doanh vàng cố tình tạo ra để thu lợi. Tất nhiên tăng ảo thì chẳng giữ được lâu. 2 ngày liên tiếp sau đó, giá vàng giảm mạnh, xuống thấp hơn cả trước khi bị kéo giá lên trời. Thế là người người, nhà nhà lại ùn ùn kéo nhau đi bán cắt lỗ. Tiền từ túi người mua chảy vào giúp các đơn vị kinh doanh vàng “làm bàn” nhanh chóng.
Chẳng riêng gì vàng, mua cao bán thấp cũng là kịch bản xảy ra rất nhiều lần trên thị trường chứng khoán những năm nóng sốt 2006 - 2007. Các cá mập chứng khoán tay trái mua, tay phải bán, đẩy giá cổ phiếu lên cao. Người dân thấy giá tăng là nhảy vào mua. Người vào sau cùng, tất nhiên ôm trọn phần thiệt hại. Người thì chôn vốn vô thời hạn, người bán ra thì ôm lỗ, người vay nóng để mua thì lỗ kép. Có chiêu đó thôi nhưng xài hoài vẫn hiệu quả. Tương tự nửa tháng trước, vụ sốt đất ảo ở Bình Ba (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng lôi kéo hàng ngàn người tụ tập về đây mua bán, đẩy giá đất nông nghiệp tăng gấp đôi, gấp ba. Thế nhưng thực tế toàn giao dịch ảo, mấy cò đất, đầu nậu cố tình làm giá để thu lợi. Chính quyền địa phương khẳng định không có giao dịch chính thức nào được thực hiện. Tuần trước lại có thông tin đâu đó đất Nhơn Trạch (Đồng Nai) “sốt”. Nhìn lại thì hàng thập niên nay, mỗi năm khu vực này sốt không biết bao nhiêu lần, cũng chỉ từ những người ôm đất muốn ra hàng. Thực tế nhiều người muốn bán rất khó khăn để tìm được người mua.
Mua giá cao là điều tối kỵ khi đầu tư, lĩnh vực nào cũng thế. Lạ là rất nhiều người cứ thấy giá bị đẩy lên là đi mua, từ vàng, đất, chứng khoán cho tới thực phẩm, mì gói... Tâm lý này là mảnh đất màu mỡ để giới đầu cơ trục lợi tối đa và hậu quả cũng tức thì. Thế nhưng kịch bản này vẫn luôn hiệu quả, rất lạ.
Người bán không bao giờ nhầm nên người đầu tư cần sự tỉnh táo, thay vì chạy theo tâm lý đám đông để ôm thiệt hại vào thân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.