Du khách phiền toái

10/07/2016 05:29 GMT+7

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, 6 tháng đầu năm 2016, VN đã đón khoảng 1,2 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm 25% lượng khách quốc tế, tăng 48% so cùng kỳ năm 2015.

Sân bay Cam Ranh mỗi ngày có 7 - 10 chuyến bay trực tiếp đến từ các thành phố lớn của Trung Quốc. Tại Khánh Hòa, khách Trung Quốc đã áp đảo “khách Tây” về số lượng với tỷ lệ 40%.
Khác với du khách đến từ các nước Tây Âu, họ luôn lịch sự và rất văn minh, còn khách Trung Quốc gần như là những chiếc loa phóng thanh di động. Họ ồn ào ngay cả những nơi cần sự tĩnh lặng như đình chùa miếu mạo; lộn xộn, nhốn nháo ở những nơi rất cần sự trật tự và nền nếp như trong các bữa ăn sáng ở khách sạn; ẩu xị và càn rỡ cả những nơi rất cần sự bình tĩnh và minh bạch như trong các siêu thị hay cửa hiệu mua sắm.
Không cứ gì đến VN, du khách Trung Quốc và những phiền toái từ họ là câu chuyện chung của tất cả các thị trường du lịch. Nhưng cách làm chung ở tất cả các thành phố du lịch chắc chắn không phải là từ chối du khách mà chọn những giải pháp để “sống chung” và khai thác nguồn lợi cho nền du lịch của mình.
Thử nhẩm tính, chỉ riêng Nha Trang mỗi ngày đón 10 chuyến bay với 1.500 - 1.800 khách Trung Quốc, lưu trú ít nhất là 2 đêm, nhiều nhất là 5 đêm, ở khách sạn 3 - 5 sao, ăn uống, mua sắm ào ào thì số tiền mà thành phố này thu về mỗi ngày là... không đo đếm hết.
Cách mà ngành du lịch và các điểm du lịch ở từng địa phương cần làm là phối hợp với các hãng lữ hành để biết lượng khách của từng tour mà sắp xếp ở riêng rẽ hoặc giờ giấc, địa điểm tham quan... hợp lý đến mức có thể nhằm tránh sự ồn ào làm ảnh hưởng đến khách khác. Nhiều điểm du lịch ở các nước cũng thường sắp xếp cho khách Trung Quốc ở một tầng riêng, một lối đi tách bạch, khu phòng ăn riêng ở khách sạn... điều này thì người dẫn tour, quản lý khách sạn thực hiện trong tầm tay.
Nhưng quan trọng là các “trưởng đoàn” cần khuyến cáo cặn kẽ với khách về phong tục, tập quán ở những nơi mà khách sẽ đến để có cách ứng xử sao khỏi “mất lòng” chủ nhà khi đến tham quan. In tờ rơi bằng tiếng Anh lẫn tiếng Trung nói về lịch sử các điểm tham quan lẫn những quy định nghiêm ngặt rồi phát cho du khách. Chưa kiểm soát triệt để số hướng dẫn viên “chui” thì cũng nên quy định, ở các điểm tham quan, tuyệt đối phải là người Việt đứng ra thuyết minh…
Cơ quan thuế và công an cần dẹp ngay tình trạng đóng vai khách du lịch để trốn ở lại VN rồi làm chuyện khác, như thành lập các cửa hàng chỉ chuyên bán đồ lưu niệm cho người Hoa, hoặc xài nhân dân tệ thay cho tiền Việt, mua bán nông sản bất hợp pháp…
Chính khi các cơ quan công quyền ở mỗi thành phố du lịch nghiêm túc giám sát và có hình thức xử phạt nghiêm minh bất kỳ hành vi vi phạm trật tự, hoặc ngay chính các doanh nghiệp phục vụ du lịch như hãng hàng không, sân bay, điểm tham quan du lịch… cũng sẵn sàng yêu cầu mọi người chấp hành các quy định về văn minh, an toàn… một cách nghiêm ngặt thì tình trạng du khách thiếu ý thức dù là nội địa hay nước ngoài ắt sẽ được giảm thiểu.
Cần phải thừa nhận một thực tế là, khách du lịch đến càng nhiều thì nguồn thu càng lớn, bất luận họ là khách từ quốc gia nào đến. Ứng xử sao cho uyển chuyển với số du khách này để không làm ảnh hưởng đến du khách khác là điều mà nhiều cấp, nhiều ngành, kể cả người dân cần chung tay để tìm giải pháp chứ không chỉ biết hô hào tẩy chay chỉ vì “tôi không thích hắn” như một số người đã nghĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.