Đổi mới kiểu chắp vá

11/01/2017 06:42 GMT+7

Ý kiến của một bạn đọc gửi đến Báo Thanh Niên trong bài Bảng tương tác dùng như... máy chiếu thật sự là một câu hỏi lớn cho nhiều vấn đề khác đang tồn tại của ngành giáo dục.

“Tại sao nước ngoài họ sử dụng hiệu quả, mà ta thì không?”.
Gần 4 năm trước, khi dư luận đặt câu hỏi về sự cần thiết của đề án trang bị bảng tương tác ở các trường mầm non, tiểu học của Sở GD-ĐT TP.HCM với kinh phí gần 180 tỉ đồng thì lãnh đạo Sở viện dẫn các chủ trương của bộ, ngành, nhà nước... đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ để cho thấy nên có thiết bị này. Chỉ một thời gian ngắn sau, báo chí đã phản ảnh tình trạng “trùm mền” bảng tương tác. Nay thì mọi chuyện càng rõ vì nếu phải sử dụng thì phần lớn các trường dùng thiết bị này như... máy chiếu.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự thiếu đồng bộ. Nghĩa là đầu tư hàng tỉ đồng để mua máy móc nhưng giáo viên chưa được tập huấn thành thạo nên không biết sử dụng để làm gì. Không phải trường nào cũng có điều kiện phòng ốc tối thiểu để sử dụng nên có trường đành cho vào một góc trong thư viện. Giờ đây, chính một lãnh đạo ngành giáo dục của TP.HCM đã phải thừa nhận việc sử dụng bảng tương tác là không hiệu quả!
Không phải chỉ riêng việc mua sắm và sử dụng bảng tương tác không hiệu quả, nhiều vấn đề khác trong giáo dục cho thấy mặc dù chúng ta đi theo các nước, học hỏi kinh nghiệm từ các nền giáo dục tiên tiến nhưng khi triển khai lại phát sinh nhiều vấn đề, không phù hợp với thực tế.
Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 với hơn 9.000 tỉ đồng nhưng đến giờ cho là không đạt được mục tiêu một phần cũng vì không xác định được trọng tâm cần đầu tư. Hơn nửa chặng đường thực hiện, các nơi tập trung kinh phí vào mua sắm trang thiết bị mà không kiểm soát, có nơi mua thiết bị chỉ có phần cứng không có các phần mềm ứng dụng đi kèm nên không sử dụng hoặc khai thác hết các tính năng. Trong khi đó vấn đề đáng quan tâm là chất lượng giáo viên để đáp ứng đề án lại không có hướng thực hiện hợp lý.
Tích hợp cũng là một hướng đi mà các nước đã thực hiện từ rất lâu, vài năm gần đây bắt đầu là một khái niệm thời thượng của giáo dục VN. Đi đến đâu cũng nghe nói tích hợp nhưng thực tế chương trình đào tạo ở các trường sư phạm vẫn theo hướng các môn học đơn lẻ theo truyền thống. Giáo viên thì không được huấn luyện một cách bài bản, thậm chí ngay cả lãnh đạo ngành giáo dục của một tỉnh cũng thừa nhận chưa hiểu gì thế mà ở khắp các trường đã đua nhau dạy và học tích hợp. Chương trình - giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ triển khai vào năm 2018 theo hướng tích hợp và phân hóa. Nếu vẫn cách làm không đồng bộ, giáo viên chưa kịp đào tạo để thích ứng với đổi mới thì e rằng sẽ có nhiều bất cập khi thực hiện.
Vì vậy, khi còn tình trạng đổi mới theo kiểu chắp vá như thế thì không mong gì có những chuyển biến thật sự trong giáo dục mà còn gây lãng phí lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.