Để không phải sống chung với rác

17/11/2018 06:37 GMT+7

Nếu không thực hiện phân loại tại nguồn để có thể xử lý, tái chế thì sẽ đến lúc chúng ta thực sự sống chung với rác và trả giá bằng chính sức khỏe của mình.

Không thực hiện phân loại rác và chuyển giao đúng nhóm chất thải theo quy định có thể bị phạt tới 15 - 20 triệu đồng là một trong những quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn do UBND TP.HCM vừa ban hành, với mục tiêu sau năm 2020 việc phân loại rác được triển khai toàn địa bàn TP.
Trước đó, TP cũng ra mắt ứng dụng hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn được phát triển trên điện thoại thông minh, máy tính bảng giúp hỗ trợ người dân trong việc phân loại rác... Nói thế để thấy, quyết tâm của TP trong việc phân loại rác tại nguồn bởi đây là nền tảng, là cơ sở để có thể xử lý, tái chế rác, giúp môi trường sẽ sạch đẹp hơn.
Thực ra, phân loại rác tại nguồn đã được TP.HCM triển khai thí điểm từ những năm 1999 nhưng tới nay vẫn chưa thành công vì nhiều lý do, trong đó dễ thấy nhất là sự thiếu đồng bộ. Có nơi người dân thực hiện tốt việc phân loại rác, người đi thu gom lại đổ tất cả vào chung một thùng do chưa được trang bị thùng riêng.
Có nơi người dân thực hiện tốt, người thu gom thực hiện tốt nhưng đến khâu chuyên chở thì phương tiện vẫn còn thô sơ, chưa được thiết kế có vách ngăn để chứa riêng hai loại rác...; thế là lại công cốc. Những chuyện này vẫn đang xảy ra ở khắp nơi. Chưa kể do thiếu nhân lực, chờ nhiều ngày không có người thu gom nên nhà nhà, người người coi các ngõ hẻm, đường phố là thùng rác. Chỗ lén lút, nơi công khai... cứ đổ hết ra lề đường.
Đến nước này thì làm gì còn ai phân biệt rác vô cơ, hữu cơ. Nói thế để thấy, việc phân loại rác tại nguồn nếu muốn thành công, phải được thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu, từ người dân, người thu gom, phương tiện chuyên chở, thiết bị phân loại, xử lý rác...
Khi đã đồng bộ, chuẩn hóa tất cả các khâu thì việc tiếp theo là phải giám sát và chế tài thật nghiêm để tạo thành nền nếp, thói quen. Còn nhớ năm 2007 khi TP.HCM xử phạt người đi xe mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, chỉ trong một đêm đầu tiên, cảnh sát giao thông Công an TP.HCM đã xử phạt tới hơn 700 trường hợp vi phạm.
Liên tiếp những ngày sau, việc xử phạt duy trì và thực hiện nghiêm. Vì thế chỉ trong một thời gian không dài, việc đội mũ bảo hiểm đã được thực hiện nghiêm túc. Đến nay, sau 11 năm áp dụng, đội mũ bảo hiểm đã trở thành thói quen, trở thành văn hóa giao thông tại TP.HCM và trên cả nước.
Trở lại với phân loại rác tại nguồn, chúng ta đã thí điểm hơn một thập niên qua, cũng đã tuyên truyền, cũng đã có nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ... nên đây là giai đoạn thực hiện song song với giám sát và chế tài thật nghiêm để tạo nền nếp.
Hiện mỗi ngày trên toàn địa bàn phát sinh khoảng 8.300 tấn rác sinh hoạt. Nếu không thực hiện phân loại tại nguồn để có thể xử lý, tái chế thì sẽ đến lúc chúng ta thực sự sống chung với rác và trả giá bằng chính sức khỏe của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.