Đâu rồi công bằng thuế?

30/07/2019 04:43 GMT+7

Nợ thuế ngày càng tăng, danh sách doanh nghiệp chây ì thuế ngày càng đông nhưng có vẻ các giải pháp “quyết liệt” của nhà thuế chưa rõ hiệu nghiệm.

Bằng chứng là có những đơn vị “lưu cữu” trong bảng phong thần tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, nhìn rất phản cảm.
Nói phản cảm bởi nó cho thấy nhà thuế dường như bất lực với các đối tượng này. Tháng này bêu tên, tháng sau vẫn bêu tên mà chẳng ăn thua gì. Doanh nghiệp (DN) nhờn thuốc, kỷ cương pháp luật bị coi thường, tạo tiền lệ không tốt cho thị trường. Kiểu “ông” này nợ được thì tội gì tôi không nợ. “Ông” này chây ì được thì tội gì tôi không chây ì... Một cách logic thì giải pháp này không hiệu quả, phải áp dụng giải pháp khác, mạnh tay hơn. Ví như ban đầu thì đôn đốc nhắc nhở, rồi bêu tên, không được thì phải áp dụng các giải pháp cưỡng chế, thậm chí khởi tố hình sự chứ không thể “đến hẹn lại lên”, nhà thuế bêu tên cứ bêu, DN nợ cứ nợ.
Cũng đã không ít lời ra tiếng vô về chuyện DN làm ăn nghiêm túc, đóng thuế đàng hoàng thiệt thòi hơn những đơn vị chây ì, gian dối bởi sự thiếu nghiêm minh của chính sách, thiếu quyết liệt của cơ quan thuế.
Đó là chưa kể, nếu so sánh với những người làm công ăn lương đang miệt mài đóng thuế thu nhập cá nhân thông qua việc khấu trừ tại nguồn thì sự bất công này càng lớn hơn. Chúng ta đều biết, chính sách thuế thu nhập cá nhân với các ngưỡng thuế suất đối với người nộp thuế, mức chiết trừ gia cảnh, thu nhập vãng lai... hiện nay đã rất lạc hậu nhưng cơ quan thuế vẫn chưa có động thái điều chỉnh trong khi giá cả, lạm phát, lương cơ bản đều đã tăng mạnh trong những năm qua. Tại nhiều cơ quan, đơn vị, người lao động bị trừ thuế không sót đồng nào, ngược lại có những DN cố tình chây ì hàng chục, hàng trăm tỉ đồng thì công bằng trong quản lý thu thuế với tổ chức, cá nhân mà ngành thuế luôn khẳng định ở đâu?
Thực ra, các DN chây ì thuế cũng chỉ là phần nổi của tảng băng, vẫn là những người “có tóc” chứ “kẻ trọc đầu” - đối tượng mà cơ quan thuế chưa nắm được rất lớn. Đơn cử như thu thuế với các lĩnh vực kinh doanh xuyên biên giới, tình trạng chuyển giá ở các DN ngoại, một số lượng hộ kinh doanh tìm cách không trở thành DN để được hưởng thuế khoán với mức thấp hơn nhiều so với doanh thu; mua bán trên mạng xã hội...
Hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia dở dang vì thiếu vốn trong khi nợ đọng thuế vẫn tiếp tục gia tăng. Nếu cứ tình trạng này, phải truy trách nhiệm của ngành thuế trong việc thực hiện nhiệm vụ chứ nếu ngành nào cũng kêu khó, cũng chọn việc nhẹ nhàng thì “gian khổ biết dành phần ai”?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.