Dân biết ‘cát tặc’ là ai

22/01/2019 04:42 GMT+7

Rõ ràng, nhân dân biết “cát tặc” là ai; biết ai đứng sau những hành vi ngang ngược, bất chấp pháp luật của những “tập đoàn” khai thác cát, sỏi trái phép.

Cùng với tham nhũng, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra ngang nhiên, bất chấp pháp luật, gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông, ven biển ở nhiều địa phương, luôn là “điểm nhấn” trong các báo cáo kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội tại các kỳ họp.
Chính phủ cũng nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép, nhưng “cát tặc” vẫn diễn ra với mức độ ngày càng tinh vi hơn. Tại sao?
Tháng 3.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã làm một việc chưa từng có, đó là báo cáo Thủ tướng về việc ông và lãnh đạo tỉnh này bị đe dọa do đề nghị dừng một dự án nạo vét luồng sông Hồng.
Lý do đề nghị dừng vì tỉnh này cho rằng bị lợi dụng để khai thác cát, sỏi trái phép. Công văn của UBND tỉnh Bắc Ninh khi đó được dư luận hoan nghênh do phá vỡ sự im lặng trước cái gọi là “mafia tài nguyên”. Nhưng ngay từ khi đó, đã có ý kiến băn khoăn: Vì sao chủ tịch tỉnh nắm trong tay các lực lượng điều tra, vũ trang thuộc địa bàn quản lý mà không tự giải quyết được vấn đề, phải “cầu cứu” Thủ tướng?
Và rồi, tự câu hỏi đã là câu trả lời, khi mà sau đó không có vụ án “cát tặc” nào được điều tra. Thay vào đó, chỉ 3 thanh tra đường thủy thuộc chi cục đường thủy nội địa phía bắc bị đình chỉ công tác; và kẻ nhắn tin đe dọa ông chủ tịch và các lãnh đạo Bắc Ninh thì bị xử 3 năm tù trong vụ án “đe dọa giết người”.
Không phải ngẫu nhiên, báo cáo kiến nghị cử tri gửi Quốc hội kỳ họp vừa rồi “yêu cầu phải xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu các địa phương đã không có biện pháp xử lý (cát tặc), mặc dù nhân dân và báo chí đã liên tục phản ánh”.
Rõ ràng, nhân dân biết “cát tặc” là ai; biết ai đứng sau những hành vi ngang ngược, bất chấp pháp luật của những “tập đoàn” khai thác cát, sỏi trái phép.
Tàu hút cát hoạt động công khai, ầm ĩ cả ngày lẫn đêm, đến nỗi dân làng không chịu được phải mang rơm lên đốt tàu (Hà Tĩnh). Vậy mà lực lượng chức năng thì luôn nói rằng khó xác định hành vi, không có căn cứ xử lý…
Có ai đặt câu hỏi tại sao các dự án nạo vét lòng sông toàn được cấp phép trúng mỏ cát? Tại sao biết rõ các dự án nạo vét và tận thu sản phẩm là tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực nhưng cả Bộ GTVT và các địa phương đều có quyền cấp phép? Tranh chấp về quyền lợi, giữa các cơ quan chính quyền, các nhóm lợi ích có không?
Thực tế cho thấy, nhà nước thừa phương tiện, biện pháp để triệt nạn hút lậu cát; cái thiếu chỉ là quyết tâm của các lực lượng chức năng và chính quyền. Quy trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu địa phương khi để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép sẽ là chìa khóa để giải quyết việc này.
Giá mà khởi tố một vụ án hình sự về vi phạm các quy định khai thác tài nguyên (điều 227 BLHS), thay vì vụ án “đe dọa giết người” (dù người bị đe dọa có là chủ tịch tỉnh) thì sẽ dễ thuyết phục người dân hơn, rằng chính quyền không đánh trận giả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.