Cùng nhau chống “giặc”

05/04/2020 07:12 GMT+7

Việt Nam là một dân tộc luôn cố kết trong hoạn nạn, luôn đoàn kết trong đấu tranh chống giặc. Khi gọi Covid-19 là “giặc” thì chính là lúc người Việt Nam biết, chỉ có chiến đấu mới sống còn. Lùi lại là chết.

Chống dịch như chống giặc”, nghĩa là chúng ta chính thức tuyên chiến với đội quân xâm lược giấu mặt là dịch bệnh Covid-19, và tinh thần chiến đấu là “Không một ai bị bỏ lại”, nghĩa là phải cứu bằng được tới người “bị thương” cuối cùng, nhiệm vụ ấy nặng nề biết chừng nào! Có những quốc gia giàu mạnh hơn Việt Nam gấp nhiều lần đã không làm được điều này, là phải chiến thắng và phải bảo toàn được lực lượng.

Phố cổ Hà Nội buồn tênh, đàn ông đi chợ giúp vợ rồi về nhà tránh dịch

Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 16 yêu cầu “cách ly xã hội” trong 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 1.4. Kèm theo là quy định rõ những việc toàn dân cần làm và phải làm trong thời gian cao điểm nhất của dịch bệnh, để đất nước có thể vượt qua hiểm nguy với độ an toàn cao nhất cho nhân dân.
“Ở nhà là góp phần chống dịch”, tôi thấy yêu cầu này mới nghe có vẻ dễ dàng, nhưng thực hiện được nó với mức độ nghiêm túc nhất, thật không dễ. Vì chúng ta, kể cả những người từ 60 tuổi trở lên, vẫn có những nhu cầu cá nhân phải đi ra ngoài, phải giao tiếp hay phải làm những việc gì đó mang tính cá nhân hay cho gia đình. Nhưng vì an toàn của đất nước, vì mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh, chúng ta vui lòng ở nhà, và tránh tối đa những giao tiếp không thật cần thiết.
Mấy hôm nay, chắc tiền cước điện thoại của tôi tăng nhiều, vì khi không trực tiếp gặp gỡ anh em bạn bè, thì gọi điện thoại là cách nhanh nhất. Nhiều khi những cuộc gọi kéo dài, vì ai cũng có nhu cầu tâm sự, thông tin, động viên nhau. Với những người đã lớn tuổi, nhu cầu ấy càng cao. Nhưng khi nghĩ lại, mình còn khỏe hơn bao người phải trực tiếp tham gia dập dịch, những chiến sĩ y tế và những chiến sĩ quân đội, công an, những người làm những việc khiêm nhường ở tổ dân phố tại những thành phố có nguy cơ dịch bệnh cao như Hà Nội hay TP.HCM, họ đã phải làm biết bao việc không tên nhưng cần thiết phục vụ cho cuộc chiến đấu này. Mình nên ở trong nhà để giúp những người thi hành nhiệm vụ có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ của họ, như thế cũng là góp một phần nhỏ bé để không bao giờ phải ân hận.

Phút trở về sau 14 ngày sống chậm của 930 người cách ly ở KTX ĐHQG

Khi các đường phố, những nơi thường ngày vẫn tập trung đông người bỗng thưa vắng, ấy là khi cuộc chiến giành giật cuộc sống cho con người đang diễn ra quyết liệt, căng thẳng từng giây phút trong các bệnh viện, và những người lính phục vụ tại các khu cách ly gần như không có giấc ngủ trọn vẹn một đêm nào. Họ là những con người bằng xương bằng thịt nhưng phải trang bị kín bít như robot, và làm việc quần quật không khác gì người máy, tất cả vì sự an toàn tuyệt đối cho những người cách ly, dù họ từ đâu tới, ở đâu về.
Việt Nam là một dân tộc luôn cố kết trong hoạn nạn, luôn đoàn kết trong đấu tranh chống giặc. Khi gọi Covid-19 là “giặc” thì chính là lúc người Việt Nam biết, chỉ có chiến đấu mới sống còn. Lùi lại là chết.
Và chính trong cuộc chiến ấy, hình ảnh đẹp đẽ và cảm động nhất của đất nước Việt Nam được nâng cao lên hơn bao giờ hết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.