Cơ chế trách nhiệm

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/08/2018 05:07 GMT+7

UBND TP.HCM sẽ truy trách nhiệm người đứng đầu chính quyền phường, xã, thị trấn quản lý trực tiếp địa bàn cơ sở nếu có dấu hiệu buông lỏng quản lý để tệ nạn xã hội phát sinh, diễn biến phức tạp.

Đây được coi là một giải pháp quyết liệt của lãnh đạo TP nhằm phân quyền, quy trách nhiệm để giải quyết một cách triệt để, căn cơ các hành vi vi phạm pháp luật tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" đang bùng nổ trên địa bàn thời gian qua.
Giao quyền đồng thời quy trách nhiệm cho chính quyền cơ sở rõ ràng là một giải pháp đúng đắn để nâng cao ý thức, trách nhiệm của lực lượng chức năng trực tiếp bám sát và quản lý địa bàn trong việc giải quyết vấn đề phát sinh ngay trên địa bàn mình. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, giải pháp này sẽ khó hiệu quả một cách thực chất nếu không xác định rõ ràng cơ chế xử lý trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.
Với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách thì việc không quy định rõ cơ chế xử lý trách nhiệm của chính quyền cơ sở, nhất là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đang dẫn đến tình trạng mỗi khi có sai sót, khuyết điểm thì không ai chịu trách nhiệm hoặc quy trách nhiệm thuộc về... tập thể. Chính điều này đã tạo ra kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, thậm chí là lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tư lợi. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở gần đây cũng đã lưu ý: nhiều người đứng đầu mượn danh tập thể để hợp thức hóa quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân.
Nhưng quan trọng hơn, thiếu một cơ chế để xử lý, đặc biệt là xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu đang khiến từ “trách nhiệm” vốn mang nghĩa gánh vác lại chưa bao giờ được sử dụng một cách dễ dàng như gần đây.
Một thống kê thú vị là trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội vừa qua, 4 vị bộ trưởng tham gia chất vấn đã nhắc đi nhắc lại tới gần 300 lần từ “trách nhiệm”. Và mỗi khi có vấn đề sai sót, khuyết điểm, người ta lại thấy những người đứng đầu xin “nhận trách nhiệm”. Nhưng rồi sau tuyên bố nhận trách nhiệm, người ta chưa thấy có xử lý nào đối với cá nhân những người đứng đầu ấy.
Việc giao quyền, phân quyền bao giờ cũng phải gắn liền với trách nhiệm. Nhưng việc “truy trách nhiệm” sẽ trở nên hình thức và vô hiệu nếu không có một cơ chế rõ ràng để “truy” cho ra trách nhiệm của cá nhân. Do đó, khi nào vẫn chưa có một cơ chế trách nhiệm thực chất, hiệu lực, hiệu quả, tách bạch mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể thì tình trạng “cha chung không ai khóc” sẽ vẫn còn tiếp diễn. Và người ta sẽ còn chứng kiến những quan chức nhận trách nhiệm nhưng..., rồi sao nữa?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.