Cảnh giác để tự bảo vệ

13/05/2017 07:03 GMT+7

Gần đây liên tục xảy ra những vụ lừa đảo qua mạng, qua điện thoại. Nhiều nạn nhân mất hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng chỉ vì quá tin kẻ lừa đảo, đem số tiền lớn chuyển vào tài khoản cho kẻ lừa đảo.

Các đối tượng thông qua điện thoại và các phương tiện công nghệ thông tin... để lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật. Đây không phải là kiểu lừa mới nhưng nhiều người vẫn bị “sập bẫy”. Đáng lo ngại là thời gian gần đây kiểu lừa đảo này có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, số tiền lừa đảo ngày càng lớn, đối tượng ngày càng manh động, xem thường pháp luật.
Nếu như trước đây các đối tượng chỉ sử dụng điện thoại mạo danh cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để yêu cầu, hù dọa nạn nhân chuyển tiền đến một tài khoản nhất định rồi chiếm đoạt, thì bây giờ thông qua mạng xã hội đối tượng làm quen, lợi dụng sự nhẹ dạ, lòng tham của bị hại rồi đề nghị chuyển tiền, mua sắm đồ dùng có giá trị hay thông báo nợ cước điện thoại, thông báo nhận quà, trúng thưởng và đề nghị nộp tiền. Khi nạn nhân bị lừa chuyển tiền, mất tiền thì mới biết là không có cơ quan chức năng nào yêu cầu người dân chuyển tiền của mình vào tài khoản của người khác để điều tra, xác minh hay đóng phí dịch vụ bưu điện, phí hải quan... Lúc này đối tượng đã cao chạy xa bay hoặc đang tìm kiếm con mồi mới, hoặc di chuyển qua nước khác.
Phần lớn nạn nhân bị lừa có nguyên do mất cảnh giác, thiếu hiểu biết pháp luật, bị các đối tượng là những tên rành tâm lý và hiểu biết pháp luật hù dọa, dẫn dắt, khiến họ tin theo những yêu cầu hoặc thông tin bọn tội phạm cung cấp là đúng mà thực hiện các yêu cầu của tội phạm. Chưa thấy có biện pháp ngăn chặn hay xử lý nào có hiệu quả đối với loại tội phạm này. Một phần vì bọn tội phạm công nghệ cao này không xuất đầu lộ diện, bàn bạc phân công và thực hiện hành vi phạm tội trên mạng và trong cùng một thời điểm chúng cùng thực hiện hành vi phạm tội nhưng cư ngụ tại nhiều vùng miền, quốc gia khác nhau nên rất khó để cơ quan chức năng phát hiện xử lý.
Để bảo vệ mình, người dân cần hết sức lưu ý khi trò chuyện trên mạng hay qua điện thoại với người lạ, đặc biệt là những người tự xưng là cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật; không làm theo dẫn dụ bấm các phím số trên máy điện thoại, máy vi tính theo yêu cầu của người lạ tự xưng có chức quyền, không cung cấp số tài khoản, thẻ tín dụng, thực hiện việc chuyển tiền từ tài khoản của mình qua tài khoản mà đối tượng chỉ định dù bất kỳ lý do gì; khi nhận được các cuộc gọi có dấu hiệu mạo danh nhà mạng hoặc người có thẩm quyền thì người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.