Cần dạy, học tiếng Anh thực chất

04/12/2018 04:52 GMT+7

Điểm yếu của nguồn nhân lực VN là gì trong nền kinh tế hội nhập với sự tác động lớn từ công nghệ? Câu trả lời của các nhà tuyển dụng và chuyên gia về lao động đều thống nhất đó là ngoại ngữ và kỹ năng.

Thiếu nhân lực giỏi ngoại ngữ đến mức trong những năm gần đây nhiều đơn vị tuyển dụng phải thực hiện quy trình nghịch đảo. Thay vì ưu tiên kiểm tra trình độ chuyên môn thì các nhà tuyển dụng chọn người giỏi tiếng Anh trước, đặc biệt ở khối ngành công nghệ thông tin. Trong báo cáo hằng quý hoặc chuyên đề của Navigos Search, một công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao lớn tại VN, một thông tin cứ lặp đi lặp lại: ngoại ngữ là rào cản, thách thức lớn nhất của nhân lực VN. Báo cáo gần đây nhất còn đưa ra số liệu người giỏi ngoại ngữ thì thu nhập sẽ cao hơn những người khác cùng bằng cấp và trình độ chuyên môn.
Vậy tại sao một học sinh VN trước đây có 7 năm học ngoại ngữ, ngày nay từ 10 - 12 năm, chuẩn đầu ra ở các trường CĐ, ĐH rất chặt chẽ nhưng khi ra trường vẫn ít người đáp ứng được yêu cầu ngoại ngữ? Vì sao một đề án ngoại ngữ quốc gia có tổng chi phí dự toán khoảng 9.400 tỉ đồng với mục tiêu đến năm 2020 tăng tỷ lệ thanh thiếu niên có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ độc lập và tự tin trong giao tiếp nhưng đến nay Bộ GD-ĐT đã thừa nhận dự án này quá tham vọng? Vì sao dù có sự đầu tư rất lớn nhưng nhiều năm nay điểm thi môn tiếng Anh của học sinh trong kỳ thi THPT quốc gia vẫn nằm ở mức thấp nhất? Có nhiều nguyên nhân cho thực tế phũ phàng này, trong đó tất cả cũng vì xuất phát từ cách làm thiếu thực chất, duy ý chí.
Khi thế giới đổi thay nhanh chóng nhờ công nghệ, việc hội nhập là yêu cầu bắt buộc để phát triển thì nguồn nhân lực VN không thể cứ mãi yếu về ngoại ngữ được. Trong bối cảnh đó, đề xuất Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 tại VN của Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 diễn ra ở Đà Nẵng vào tuần qua là rất có cơ sở.
Có nhiều việc phải làm để thực hiện được mục tiêu này và cần đặt ra một lộ trình cụ thể. Thay đổi từ những việc cơ bản như không thể dùng người không phải bản ngữ để soạn giáo trình. Việc học ngoại ngữ ngày nay đã rất khác so với 5 - 10 năm trước vì công nghệ đã được ứng dụng rất nhiều nên không thể dạy và học theo phương pháp cũ. Đổi mới trong cách ra đề thi để tăng kỹ năng ứng dụng thực tế. Để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai thì người dân phải được sống trong môi trường này. Nghĩa là tiếng Anh không chỉ được sử dụng trong học tập, giảng dạy mà còn ở công sở, trong giao dịch, kinh doanh…
Sẽ không dễ dàng thực hiện nhưng trước nhu cầu bức bách, khi xã hội - kinh tế toàn cầu phát triển với sự hỗ trợ rất lớn từ công nghệ và tinh thần làm việc vì thực chất, hy vọng lộ trình này sẽ sớm được xem xét và triển khai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.