Cải cách uy tín

04/01/2020 08:52 GMT+7

Trong bối cảnh thế giới phẳng với sự bùng nổ về thương mại trực tuyến đã giúp cho doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận với khách hàng toàn cầu hơn, nhưng quá trình giao dịch lại không đơn giản.

Một nhà đồng sáng lập của một công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển cao cấp cho biết nhiều khách hàng nước ngoài liên hệ phàn nàn vì không thể thanh toán trực tuyến khi mua vé của công ty này. Lý do, ngân hàng tại nước ngoài đánh giá đây là một giao dịch đáng ngờ vì công ty cung cấp dịch vụ… đặt tại Việt Nam.
Trong khi đó, trước khi đăng ký thanh toán trực tuyến với một cổng thanh toán, công ty trên đã phải hoàn thành thủ tục đăng ký hoạt động thương mại trực tuyến và được Bộ Công thương xác nhận. Đáng buồn hơn, ngay cả khi công ty gửi dẫn chứng có dấu xác nhận trên website về việc được công nhận bởi Bộ Công thương, thì phía nước ngoài cũng không tin vì dấu xác nhận được thể hiện bằng… tiếng Việt.
Từ lý do như vậy, không riêng gì công ty vận chuyển trên, mà nhiều công ty cung cấp dịch vụ khác ở Việt Nam đành phải giới thiệu khách đặt mua dịch vụ của mình nhưng thông qua các công ty trung gian về đặt chỗ. Như thế, công ty cung cấp dịch vụ phải tốn hoa hồng chi trả cho những công ty trung gian. Trong khi đó, những công ty đặt chỗ trung gian thì việc thu thuế không đơn giản.
Thực tế, vấn đề “uy tín” liên quan các giao dịch trực tuyến không chỉ là thách thức cho Việt Nam mà còn cả một số nước trong khu vực. Và điều này đang cản trở các doanh nghiệp khai thác trực tiếp khách hàng toàn cầu. Không những vậy, ngay cả nhiều người Việt Nam cũng gặp khó khăn trong bối cảnh toàn cầu hóa, bằng chứng là bằng địa chỉ IP từ Việt Nam thì gần như không thể truy cập nhiều website bán hàng của Mỹ. Cho nên, uy tín ở đây đã mang tầm vóc quốc gia, chứ chẳng phải trong cộng đồng doanh nghiệp, nên Việt Nam cần có một chương trình dài hơi về việc cải thiện uy tín.
Trong đó, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt giao dịch với khách hàng toàn cầu dễ dàng hơn, có thể bắt đầu từ những chuyện đơn giản, như dấu chứng nhận của Bộ Công thương trên website của các doanh nghiệp cần thể hiện cả bằng tiếng Anh, và đường dẫn kiểm tra cần được thể hiện bởi nhiều ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. Xa hơn, chúng ta cần thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, tập trung kết nối và thông tin đến các hệ thống thanh toán trung gian nhằm hỗ trợ cho khách nước ngoài giao dịch với doanh nghiệp Việt.
Song hành cùng những hỗ trợ, cơ quan chức năng cần siết chặt kiểm soát để sớm phát hiện những giao dịch gian lận và xử lý mạnh tay đối với các sai phạm, đưa vấn đề phòng chống gian lận giao dịch trực tuyến thành một chương trình hành động. Có như thế, chúng ta mới có thể tạo niềm tin lớn hơn cho cộng đồng quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.