Buôn người

Loạt bài vừa qua của Thanh Niên về đường dây bán lao động đi biển buộc chúng ta phải đối mặt với nỗi sợ hãi chung về sự rẻ rúng của thân phận con người nếu xã hội trở nên vô pháp.

Những câu chuyện được kể trên mặt báo còn nguyên hơi nóng thời sự, nhưng nghe như thể được kể lại từ bối cảnh xã hội thời Trung cổ. Con người, là con người, là những người trẻ tuổi căng tràn sức sống và còn nguyên tương lai cuộc đời phía trước, bỗng dưng dễ dàng rơi vào cạm bẫy của những kẻ buôn người. Họ bị nhốt, dễ dàng hơn mọi thứ án tù nào của luật pháp. Họ bị đánh đập, dễ dàng hơn bất cứ một trò tra tấn đâu đó trong ngục. Thậm chí, họ có thể bị ném xuống biển, dễ dàng hơn bất cứ một bản án tử hình nào, trong một đêm tối trời nào đó, giữa biển cả mênh mông.
Biển cả có thể lặng im và vùi sâu thứ tội ác tày trời như thế vào lòng biển. Nhưng ngoài sự lặng im của biển cả và đêm tối, liệu có còn sự lặng im nào khác?
Buôn người không phải chỉ diễn ra ở đâu đó tại các khu vực biên giới như nhiều người vẫn tưởng. Nó diễn ra quanh đây, như trong câu chuyện kể lại của các nạn nhân. Họ nhận được một lời mời cho cơ hội công ăn việc làm mà họ tìm kiếm để sinh nhai, cũng là lúc họ lọt bẫy của bọn buôn người.
Buôn người không phải là chỉ do bọn đầu gấu xã hội đen hay đường dây mafia ghê gớm nào đó thực hiện. Nó có thể được bắt đầu bởi chính những kẻ đang sống có vẻ hiền lành và tốt bụng xung quanh chúng ta.
Buôn người không chỉ là đẩy người vào ngành công nghệ tình dục. Báo cáo từ năm 2005 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy có hơn 90% số nạn nhân bị cưỡng bức lao động. Thanh niên, đàn ông cũng là nạn nhân của bọn buôn người chứ không chỉ là phụ nữ, trẻ em.
Cái nghèo, tình trạng thất nghiệp, sự thiếu hiểu biết và thiếu kỹ năng xã hội, đôi khi cả là sự tham lam của chính các nạn nhân là những nguyên nhân trực tiếp tạo điều kiện cho bọn buôn người hoành hành. Nhưng còn phải kể thêm nguyên nhân gì nữa không?
Còn là vì chính quyền, đặc biệt là lực lượng công an, còn chưa quyết liệt và tiên phong hành động trong cuộc chiến này để bảo vệ người dân. Có thể bắt nguồn từ nhận thức đây chỉ là chuyện lừa nhau khi tìm việc, cư xử hơi tàn tệ một chút do lao động đặc thù... mà chưa nhận rõ chân tướng đó chính là nạn buôn người. Đã đến lúc cần thành lập một chuyên án, thậm chí một lực lượng phối hợp để tổng kiểm tra rà soát tình hình lao động trên biển nhằm chống nạn buôn người.
Còn là vì chúng ta chỉ mới hô khẩu hiệu, chỉ mới bày tỏ căm phẫn, mà chưa làm điều thực tế hơn để giúp đồng bào mình thực hành đối phó kẻ buôn người. Như truyền thông hoặc những chương trình giáo dục người dân kỹ năng chống bọn buôn người, nhất là ở những nơi cái nghèo đeo đẳng.
Trong nhiều báo cáo và nghiên cứu ở tầm quốc tế, VN được khuyến nghị là một “quốc gia nguồn” của nạn buôn người. Chúng ta, vì thế, càng không được phép thua trong cuộc chiến này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.