Bỏ mặc trùng tu

18/08/2018 04:55 GMT+7

Ông Phạm Tự Khải, Trưởng thôn Lương Xá (xã Liên Đạt, H.Ứng Hòa, Hà Nội) đã không thể khẳng định được những đơn vị thi công và thiết kế vừa tu bổ đình Lương Xá có đủ năng lực thực hiện việc này hay không.

Theo luật, những công ty tham gia tu bổ di tích phải có đủ nhân lực có chứng chỉ đào tạo để có thể thực hiện việc này. Thậm chí, bản thiết kế Công ty cổ phần tư vấn và thiết kế Hà Nội trao cho thôn còn không có dấu để có thể ràng buộc. Ông Khải chỉ biết láng máng rằng các đơn vị trên hay đi xây đình chùa. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Liên Đạt, cũng vậy.
Điều này khiến ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, chỉ biết kêu trời. Hai đơn vị rất mơ hồ về khả năng kia đã góp phần hạ giải trái phép toàn bộ đình gỗ 300 tuổi để thay bằng một ngôi đình bê tông mới cứng. “Đơn vị tư vấn công đức làm giúp hay lấy tiền không quan trọng bằng việc có biết làm tư vấn tu bổ di tích hay không”, ông Tiến nói trong cuộc họp bàn về đình Lương Xá.
Đình Lương Xá, cho đến nay, được tu bổ hoàn toàn bằng tiền của người dân đóng góp. Tổng số tiền đóng góp 5 tỉ đồng, theo TS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL), hoàn toàn đủ để trùng tu bài bản và giữ được ngôi đình nếu được hướng dẫn. Cũng theo ông Cương, người dân ở đây thực lòng quan tâm đến di tích của mình, cho dù họ thiếu kiến thức về di sản.
Chỉ có điều, tình yêu đình làng đó của những người dân Lương Xá đã bị chính quyền bỏ mặc. Cả cấp xã và huyện, với tư cách là quản lý nhà nước về di sản, đã không hề có những tư vấn cần thiết cho dân. Chỉ cần huyện và xã báo cáo Sở VH-TT Hà Nội, ngay lập tức Sở sẽ hướng dẫn nên làm gì để có thể trùng tu ngôi đình tốt nhất. Vậy mà, cán bộ địa phương từ xã đến huyện đã để cho người dân tự bơi trong việc tu bổ ngôi đình đó. Thậm chí, dân Lương Xá còn tự lập ra ban kiến thiết để lo việc này. Người có chuyên môn nhất của ban là kỹ sư xây dựng, hoàn toàn không phải một người làm trùng tu. Trong khi việc tu sửa một ngôi đình hoàn toàn khác xây một căn nhà mới. Nó đòi hỏi những kiến thức chuyên ngành riêng biệt.
Hiện tại, với 1.853 di tích đã được kiểm kê ở Hà Nội, nếu “xử” Lương Xá quá nhẹ, nguy cơ trùng tu trái phép lan ra sẽ rất cao. Đặc biệt là khi Hà Nội không thể đủ ngân sách để trùng tu, và việc xã hội hóa sẽ đóng vai trò quan trọng. Hơn thế nữa, việc có “án điểm” lần này sẽ giúp cán bộ địa phương không bỏ mặc dân trong việc giữ gìn di sản nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.