Bình tĩnh với vàng

12/05/2020 04:22 GMT+7

Kinh tế bất ổn khiến vàng trở thành mối quan tâm của nhiều người, từ tích trữ bảo toàn vốn cho tới đầu tư, lướt sóng.

Đặc biệt, những dự báo gây sốc về giá vàng cũng đang khiến không ít người đứng ngồi không yên, sợ lỡ cơ hội “làm bàn” khi vàng tăng giá.
Có một hiện tượng rộ lên thời gian gần đây là đẩy dự báo giá vàng “lên trời” (theo đúng nghĩa đen) của nhiều tổ chức, cá nhân trên thế giới. Sốc nhất là mức 140 triệu đồng/lượng (5.000 USD/ounce) của ông John Butler - tác giả cuốn sách Cuộc cách mạng vàng.
Sau đó không lâu, ông Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo (Đan Mạch) giảm mức dự báo xuống 113 triệu đồng/lượng (4.000 USD/ounce) nhưng vẫn khiến dân tình náo loạn bởi tính đến thời điểm hiện tại, giá vàng trong nước vẫn loanh quanh ở ngưỡng 48 triệu đồng/lượng.
Nghĩa là vàng phải “nhảy” gấp 2,5 - 3 lần mới tới mức dự báo của các vị này. Không chỉ cá nhân, các tổ chức có uy tín cũng liên tục đưa ra các ngưỡng giá dự báo gây sốc không kém. Như Ngân hàng Bank of America (BofA) cho rằng vàng sẽ lên 3.000 USD/ounce trong 18 tháng tới, quy đổi khoảng 85 triệu đồng/lượng...
Nhiều ý kiến cho rằng các dự báo này “ở đẩu, ở đâu”, nên không có gì phải lo. Mọi chuyện không đơn giản như vậy. Những dự báo về việc vàng tăng vọt, nhất là của các tổ chức, cá nhân có tên tuổi sẽ tạo ra tâm lý kỳ vọng, sự kỳ vọng này “phản ánh” trực tiếp vào giá.
Mua vào khi giá đã cao là rủi ro đầu tiên. Bên cạnh đó, một thống kê cho thấy, trong vòng 2 năm trở về đây, vốn đổ vào vàng chủ yếu đầu cơ, lướt sóng nên giá vàng tăng - giảm rất khó lường.
Sự ngắn hạn của dòng vốn này khiến đặc tính trú ẩn an toàn của vàng (khi kinh tế bất ổn) bị triệt tiêu phần nào, đó là rủi ro thứ hai. Thứ ba, các thông tin chính trị, kinh tế... có ảnh hưởng đến giá vàng, giá dầu, giá hàng hóa trên thế giới ngày nay cũng có biên độ rất ngắn, thị trường tài chính phản ứng còn mau lẹ hơn. Nay giảm mai tăng, tưởng tăng lại giảm... khiến nhà đầu tư trở tay không kịp.
Tưởng cơ hội có khi lại là rủi ro và ngược lại. Chưa kể thị trường vàng trong nước còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố như chính sách, thậm chí là từ chính các đơn vị kinh doanh vàng, những người nắm quyền điều chỉnh khoảng cách giữa giá mua - giá bán. Thế nên nhiều người sáng thấy vàng giảm mua vào, chiều tăng mạnh bán ra vẫn chỉ từ lỗ đến hòa vì chênh lệch giá mua - bán đã bị các công ty kinh doanh vàng kéo giãn ra để bảo vệ khoản lợi nhuận của mình.
Trở lại “quá khứ”, giữa năm 2011, Ngân hàng Standard Chartered dự báo giá vàng sẽ lên 5.000 USD/ounce, gấp 3 lần giá lúc đó. Thế nhưng, sau khi đạt mức cao kỷ lục 1.923 USD/ounce vào tháng 9.2011, kim loại quý này đã trượt giảm liên tục nhiều năm sau đó, có lúc đã về tới 1.000 USD/ounce.
Rất nhiều người đã vỡ mộng, chôn vốn, lỗ nặng vì mua vàng giá cao ở thời điểm đó. Còn tính đến hôm qua, nghĩa là gần 1 thập niên sau dự báo gây sốc trên, giá vàng thế giới đang ở mức 1.705 USD/ounce.
Vì vậy, đừng lao vào vàng vì các dự báo gây sốc bởi thay vì tìm nơi trú ẩn an toàn, nó cũng có thể khiến chúng ta rơi vào rủi ro chôn vốn hoặc thua lỗ như đã từng xảy ra gần 1 thập niên trước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.